Theo Điều 7 dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp (bao gồm thành lập mới, thay đổi, bổ sung hay cấp đổi), doanh nghiệp “lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (gồm 437 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng 4 số theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg) để ghi và mã hóa ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp... Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp". Trong trường hợp ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì “ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó”.

Những quy định này trong Dự thảo Nghị định hiện đang làm cộng đồng doanh nghiệp lo lắng vì có thể sẽ phát sinh thêm thời gian, chi phí và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Trả lời thắc mắc vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc quản lý nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp khi muốn có các số liệu đầy đủ, chính xác và thuận tiện về từng lĩnh vực đầu tư kinh doanh của bạn hàng, đối tác, Nghị định hướng dẫn Luật vẫn quy định doanh nghiệp ghi ngành, nghề dự định kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, đồng thời ghi mã ngành, nghề kinh doanh tương ứng. Song, ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp kê khai sẽ không hiển thị trên Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như trước đây.

Bà Minh khẳng định: “Việc ghi ngành nghề kinh doanh và mã hóa nêu trong dự thảo Nghị định sẽ không làm phát sinh thêm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”.

Bà Minh giải thích thêm, các quy định này trên cơ bản không thay đổi so với quy định hiện hành và đã được doanh nghiệp áp dụng trong quá trình gần 5 năm qua. Thêm vào đó, trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (được xây dựng trên cơ sở phân ngành chuẩn quốc tế (ISIC)) đã chỉ rõ tên ngành và đi kèm bên cạnh là mã ngành. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần ghi đúng ngành, nghề kinh doanh của mình thì sẽ thấy ngay mã ngành trong Hệ thống.

Trong trường hợp ngành nghề kinh doanh không có trong Hệ thống, thì cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thông báo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung mã mới nếu không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh.

Bà Minh nhấn mạnh: “Những hướng dẫn trong dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp không hề đi ngược lại với những quy định của pháp luật và không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp”./.