Phát biểu khai mạc Đối thoại, Phó Thủ tướng Tomislav Donchev khẳng định, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Bulgaria; quan hệ giữa hai nước có một nền móng vững chắc là mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước.

Trên cơ sở những tiền đề đã có, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước theo hướng quan hệ Đối tác chiến lược trong tương lai.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Tomislav Donchev cho rằng hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai bên còn hết sức khiêm tốn.

“Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của Bulgaria, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ ở khoảng 90 triệu USD là không thể chấp nhận được. Con số này không phản ánh đúng tiềm năng cũng như cấp độ của mối quan hệ song phương” - Phó Thủ tướngTomislav Donchev phát biểu.

Phó Thủ tướng Tomislav Donchev cho rằng, Bulgaria không thể không quan tâm tới đến Việt Nam, thị trường có dân số gấp 10-12 lần và GDP gấp 4 lần Bulgaria.

Ông khẳng định Bulgaria ủng hộ việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU và cho biết để thực hiện sáng kiến “Mô hình hợp tác kinh tế mới” của Tổng thống Plevneliev và với sự nhất trí của hai Thủ tướng trong chuyến thăm này, ngay trong tuần tới Bulgaria sẽ đề xuất thực hiện những dự án nhỏ, nhập khẩu các nguyên liệu thô từ Việt Nam để chế biến ở các khu công nghiệp gần cảng biển của Bulgaria rồi xuất khẩu sang thị trường EU.

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như cà phê, hạt tiêu, gạo…, Việt Nam có thể xúc tiến xuất khẩu sang Bulgaria những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Bulgaria cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các dự án công nghệ hiện đại như năng lượng tái tạo, công nghệ bảo vệ môi trường.

“Bulgaria sẵn sàng là cánh cửa, cửa ngõ cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường rộng lớn EU. Việt Nam sẽ trở thành đầu mối để Bulgaria có thể mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - Phó Thủ tướng Tomislav Donchev nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi Đối thoại/ Ảnh: chinhphu.vn

Tại buổi Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 đánh dấu 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (Bulgaria là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1950).

Việt Nam và Bulgaria là đối tác truyền thống với hơn 4.000 chuyên gia Việt Nam được đào tạo và làm việc tại Bulgaria. Đến nay Bulgaria đã có 10 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 31 triệu USD trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin... Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ truyền thống, tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao các chính sách kinh tế và thế mạnh của Bulgaria trong lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, kim loại cơ bản, hóa chất, tân dược, nông sản, chăn nuôi, công nghiệp chế tạo ... và hoan nghênh vai trò kết nối trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa các nước Trung - Nam Âu với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam thời gian qua.

“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp Bulgaria đẩy mạnh đầu tư vào các dự án nông nghiệp hiện đại, tân dược, năng lượng sạch, cơ khí chế tạo ... Đồng thời, tôi đề nghị doanh nghiệp Việt Nam chúng ta tăng cường xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh như nông sản, sản phẩm điện tử, hàng dệt may và tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm có chất lượng với chi phí cạnh tranh từ Bulgaria như thiết bị cơ khí, tân dược, nguyên liệu thức ăn...” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về “Mô hình hợp tác kinh tế mới” Việt Nam - Bulgaria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là sáng kiến của Tổng thống Bulgaria mà Việt Nam rất ủng hộ. Để triển khai mô hình hợp tác này, hai Thủ tướng đã nhất trí thành lập một nhóm công tác để đề xuất các lĩnh vực, sản phẩm, doanh nghiệp cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và chế biến các sản phẩm ở mỗi nước để xuất khẩu sang thị trường EU và ASEAN./.