70% doanh nghiệp tư nhân không có lãi

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ngày 09/06/2015, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hai động thái cải cách quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do và chương trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP, ngày 18/03/2014 đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo khảo sát của VCCI vừa công bố trong tháng 04/2015, có 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới và lần đầu tiên có hơn 70% doanh nghiệp cho biết, họ hài lòng với công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế.

Mặc dù cải cách môi trường kinh doanh đã có những tín hiệu tích cực, song ông Lộc cũng bày tỏ những quan ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể.

Minh chứng cho những điều này, ông Lộc đưa ra con số, có tới gần 70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không có lãi. Cùng với đó, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP cho thấy, khu vực tư nhân còn quá manh mún. Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao... đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân

Theo ông Vũ Tiến Lộc, về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và kinh tế nội địa.

Để khu vực tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, ông Lộc cho biết, cần xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia khởi nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập doanh nghiệp mới và hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp tại tất cả các trường đại học và trường nghề, xác lập chương trình đào tạo bắt buộc về khởi sự kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp.

Đối với vấn đề về vốn, Nhà nước cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả, như: tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới, như: cho vay theo chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Ngoài ra, ông Lộc cho biết, Nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn phải đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Bởi, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những quan ngại hàng đầu hiện nay.

Đặc biệt, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh chuẩn bị cho hội nhập, rất cần cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các FTA đối với doanh nghiệp.

“Chính phủ cần xem xét thiết lập một cơ chế để cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các đầu mối của cộng đồng doanh nghiệp, như: VCCI, nhằm kịp thời cung cấp các thông tin có thể về các đàm phán, cam kết dưới các hình thức khác nhau cho doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ định một cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn, giải thích chính thức các cam kết khi doanh nghiệp có vướng mắc hoặc khi có cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp...”, ông Lộc nhấn mạnh./.