Đánh giá trên được nêu tại Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu năm 2014 (GEM) tại Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam.

Dựa trên dữ liệu thu thập được từ 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia ở Việt Nam, Báo cáo GEM Việt Nam 2014 đã cho thấy một bức tranh toàn diện về thực trạng phát triển kinh doanh tại Việt Nam được phác họa theo từng giai đoạn trong chu kỳ phát triển, từ những doanh nhân tiềm năng, đến lúc khởi sự, trải qua giai đoạn đầu, cho đến khi phát triển ổn định và cuối cùng là chấm dứt hoạt động kinh doanh.

So sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước có cùng trình độ phát triển và các nước trong khu vực ASEAN cho thấy, tình hình kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 đã khả quan hơn so với năm trước, tuy vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới quá trình khởi sự và phát triển kinh doanh.

Báo cáo GEM 2014 cho biết, nhận thức về cơ hội và năng lực kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 đã tăng so với năm 2013, nhưng vẫn ở mức thấp.

Chỉ có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh, trong khi đó, tỷ lệ này trong năm 2013 lần lượt là 36,4% và 48,7% và ở các nước phát triển là 54,6% và 64,7%.

Mặc dù tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, từ 56,7% (năm 2013) giảm xuống còn 50,1% (năm 2014), trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 31,4%.

Nhìn chung, tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 vẫn thấp, chỉ đạt 2%, giảm so với mức 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân ở các nước phát triển (12,4%).

Trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trên tổng số 73 quốc gia được khảo sát về chỉ số năng động của thị trường nội địa và đứng thứ 20/73 quốc gia về chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ số chương trình hỗ trợ của Chính phủ tại Việt Nam lại có thứ hạng thấp (54/73), chỉ số về độ mở của thị trường nội địa là 52/73.

Báo cáo đưa ra dự báo, có 18,2% người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới, thấp hơn mức trung bình ở các nước phát triển (40,2%).

Do đó, để cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới, Báo cáo GEM 2014 khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh; đổi mới các chương trình đào tạo, khuyến khích người dân tìm hiểu về công việc kinh doanh, khởi sự kinh doanh và nâng cao nhận thức; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh doanh; cải thiện các điều kiện kinh doanh; xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh…/.