Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình)

Thúc đẩy năng lực khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề sống còn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá, suốt trong những năm qua, mặc dù Thủ tướng và Chính phủ đã nhấn mạnh đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy phát triển khu vực này.

Nhưng, những khó khăn, yếu kém của khu vực này, với hàng triệu đơn vị kinh doanh manh mún đang là nỗi lo lắng lớn nhất của chúng ta trước trào lưu hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Do vậy, việc thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này là vấn đề sống còn và cần được coi là trọng tâm chính sách của Chính phủ trong những năm tới. Để nâng cao năng lực của khu vực tư nhân trong nước, rất cần phải khởi động một làn sóng cải cách lần thứ hai hướng về doanh nghiệp.

Từ quan điểm đó, đại biểu Lộc đề nghị, đồng chí Phó Thủ tướng cho biết đánh giá của Chính phủ về vấn đề này và nhưng giải pháp chính sách lớn có ý nghĩa đột phá của Chính phủ để định hướng và trợ giúp cho khu vực tư nhân trong nước, tránh được bẫy tự do hóa thương mại như nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo, để vượt qua được thách thức tận dụng được cơ hội và để không bị thua thiệt để hội nhập thành công?

Trả lời đại biểu Lộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, sự phát triển doanh nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao, mới khai thác cái đã có. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn có thể làm được một số công trình khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh giá trị gia tăng.

Nguyên nhân được Phó Thủ tướng chỉ ra là do môi trường kinh doanh vừa qua chưa tốt, dù gần đây có chú trọng hơn.

Thứ hai, môi trường pháp lý còn nhiều vấn đề bất cập.

Thứ ba, sự khuyến khích của Nhà nước chưa phát triển với doanh nghiệp tư nhân.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp chưa yên tâm đầu tư, phát triển kinh doanh để lợi cho mình, lợi cho Nhà nước.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại trên, Phó Thủ tướng cho biết: “Trước hết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với ổn định vĩ mô, vì môi trường kinh doanh không tốt”.

Trong những năm gần đây, năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo môi trường kinh doanh đầu tư, thông qua Nghị quyết số 19 của năm 2015 với những giải pháp rất cụ thể.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần cải thiện môi trường pháp lý, như vấn đề phá sản, vấn đề trọng tài, vấn đề không hình sự hóa nền kinh tế.

“Nhân đây, một biện pháp quan trọng mà chúng tôi đã nêu đó là phải ổn định nền kinh tế vĩ mô của đất nước, lạm phát không tăng, ổn định các chỉ số các kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp mới có thể phát triển được. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tốt hơn, bình đẳng hơn. Đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ thông tin các hiệp hội, ngành nghề, nhất là vai trò hiệp hội ngành nghề, Phòng công nghiệp Việt Nam, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để xử lý chính sách vĩ mô. Đặc biệt là tiếp tục cải cách hành chính nói chung, đặc biệt là thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp được tốt hơn, phát triển các loại hình doanh nghiệp tốt trong đó có doanh nghiệp tư nhân”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Chính phủ đang cố gắng hết sức

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) lại lo lắng về nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty bởi, tới thời điểm này, chỉ còn 6 tháng 17 ngày là kết thúc kế hoạch 5 năm (2011-2015).

Mặc dù Chính phủ rất nhiều nỗ lực trong thực hiện cổ phần hóa, nhưng tới thời điểm này, vẫn còn 289 doanh nghiệp nhà nước toàn là xương xẩu, chưa thể cổ phần hóa được.

“Như vậy liệu chúng ta hoàn thành không? Trong câu hỏi này đề nghị Phó Thủ tướng cho biết kế hoạch có hoàn thành không? Thứ hai là hậu cổ phần hóa, mục tiêu chúng ta nâng doanh nghiệp lên sau cổ phần hóa và sử dụng phần thoái vốn nhà nước như thế nào?”, đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Về vấn đề này Phó Thủ tưởng cho biết, tiến độ cổ phần hóa đang phụ thuộc vào thị trường chứng khoán, vào phát triển đi lên nền kinh tế.

Phó Thủ tướng, nếu bán cho doanh nghiệp, bán cho SCIC hay cho cán bộ công nhân viên thì dễ, nhưng bán cổ phần hóa thành công đại chúng, thì phải theo thị trường và sự sôi động của thị trường.

“Nhưng chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để thực hiện chủ trương 289 doanh nghiệp này trong thời gian tới. Chúng ta cũng phải nói rằng,"Không quá lo lắng vấn đề này", chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá. Chúng ta cũng phải đề phòng thất thoát tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa. Quyết tâm phải làm, nhưng phương án phải quyết liệt, phải vẫn cụ thể”, Phó Thủ tướng quyết tâm.

Trả lời cho câu hỏi "tiền của cổ phần hóa làm gì?", Phó Thủ tướng cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX, trước hết là giải quyết chế độ cho công nhân viên là rất quan trọng. Thứ hai là hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn về tài chính để phục vụ tái cơ cấu. Thứ ba là dùng vào lĩnh vực đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Ba việc này sẽ được triển khai trong quá trình sử dụng tiền cổ phần hóa một cách đúng mục đích, đúng quy định của Đảng, của Nhà nước”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc nắm giữ 5% cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, thì Nhà nước không muốn nắm giữ, nhưng một là bán không được hoặc bán không có lợi nên Nhà nước phải tham gia.

Phó Thủ tướng cũng cam kết, sẽ đôn đốc bàn giao SCIC để thoái vốn cần thiết./.