Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hà cho biết, mặc dù có tới 5 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp và tiếp nhận các ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện pháp luật... được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ngày 28/05/2008. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai các hình thức này mới chỉ đi từ bề ngoài vào, chứ chưa thực sự đi sâu vào trong để xem doanh nghiệp cần gì và họ khó khăn như thế nào trong việc tuân thủ pháp luật.

Theo ông Hà, điều quan trọng mà doanh nghiệp cần đó là việc giải đáp thắc mắc về pháp luật trong những trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Tuy nhiên, việc giải đáp này vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc văn bản giải đáp không có tính pháp lý, do chính sách không chỉ định một cơ quan nào chịu trách nhiệm về tính chính xác và đúng đắn của những văn bản tư vấn đó.

Cũng nói về những hạn chế trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Bồi dưỡng Nghiệp vụ, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, các sở, ban, ngành các tỉnh còn nhiều lúng túng trong cơ chế triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định 585/QĐ-TTg, ngày 05/05/2010; Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ngày 28/05/2008... Chính những điều này dẫn đến việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua còn kém hiệu quả.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ví dụ về một số bất cập trong công tác hỗ trợ pháp lý tại Bộ mình. Ông Bốn cho biết, các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bộ chưa thường xuyên và chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; website của Bộ chưa cập nhật thông tin đầy đủ các văn bản trả lời vướng mắc của doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác...

Tuy nhiên, ngoài những hạn chế từ phía cơ quan chủ quản, thì ngay cả bản thân doanh nghiệp cũng không có ý thức trong việc tuân thủ pháp luật, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý. “Tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp chưa thực sự tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm xấp xỉ tới 97% doanh nghiệp Việt Nam)”, ông Bốn nhấn mạnh.

Cũng tại Tọa đàm, nhiều ý kiến đánh giá việc thực hiện đề án thiết lập mạng lưới tư vấn cho doanh nghiệp là một ý tưởng hay của chương trình hỗ trợ về pháp lý. Tuy nhiên, công tác gắn kết các tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới còn chưa cao, thủ tục tham gia còn chưa chặt chẽ.

Theo đó, để mạng lưới tư vấn hoạt động có hiệu quả, các đại biểu kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ vai trò đầu mối của cơ quan chủ quản; Sau khi mạng lưới được thành lập thì hoạt động của các thành viên trong đó được định hình như thế nào?; Việc hỗ trợ của Nhà nước đối với mạng lưới ở những khâu nào?; Và vai trò xã hội của các thành viên, doanh nghiệp được thụ hưởng ra sao?...

Ngoài ra, đề xuất chung cho việc nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến doanh nghiệp để họ có thể tham gia xây dựng hoàn thiện chính sách; giúp doanh nghiệp trong việc hỏi đáp thông tin về pháp luật; sớm hình thành bộ máy chuyên trách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương.

Theo ông Trần Minh Sơn: “Các sở, ban, ngành cần có nhiều trang thông tin cập nhật thường xuyên, trả lời những giải đáp hàng ngày của doanh nghiệp.Theo đó, khi mà nhu cầu được thúc đẩy và vai trò của doanh nghiệp được nâng cao, thì công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mới thực sự có hiệu quả”./.