Thuận lợi song hành cùng thách thức

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương với nhiều đối tác quan trọng, với lộ trình cắt giảm thuế quan FTA được thực hiện trong vòng 10 năm cho từng giai đoạn. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA dự kiến đạt khoảng 90% số dòng thuế, với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA.

Năm 2015 là năm bản lề quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập, năm khởi đầu của lộ trình cắt giảm ở mức sâu nhất và tiến tới cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế quan của thuế suất nhập khẩu trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết là FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu. 4 hiệp định song phương và đa phương quan trọng, gồm Hiệp định Việt Nam-EU, Việt Nam-Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là sau khi Hạ viện Mỹ trao quyền đàm phán nhanh (IPA) cho Tổng thống Obama. Điều này đồng nghĩa, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường thế giới và các nước láng giềng vào Việt Nam, đặc biệt là sau thời điểm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hưởng mức thuế suất thấp nhất.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về việc thực hiện các cam kết cho thấy, các FTA tác động hai chiều đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sẽ tăng mạnh, nhưng nhập khẩu cũng tăng theo và điều đáng lưu ý là số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu có thể giảm xuống.

Một số ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế đã tận dụng được cơ hội từ việc hội nhập để có thêm nguồn nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất và tiến đến xuất khẩu. Điển hình như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), được ký kết vào năm 2008. Ngay khi VJEPA có hiệu lực, mức thuế xuất khẩu bình quân hiện hành (MFN) của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản từ 5,05% giảm còn 2,8% vào năm 2019. Theo đó, Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Có 2.586 dòng thuế (chiếm 28% biểu cam kết gồm 9.390 dòng) lập tức sẽ được Nhật Bản cắt giảm bằng 0% sau khi VJEPA có hiệu lực. Sau năm 2019, có thêm 3.717 mặt hàng sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, nâng tổng số của cả biểu được xóa bỏ lên 6.302 mặt hàng, chiếm 67% số dòng của biểu thuế cam kết.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn sau FTA. Trong chương trình Tọa đàm trực tuyến của Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Bất lợi gắn chủ yếu với năng lực cạnh tranh của nước ta, đây là bất lợi lớn nhất. Sức lực của doanh nghiệp, cũng như năng lực tổng thể của nền kinh tế đang có nhiều vấn đề, nếu không xử lý được sẽ khó khăn, không chỉ cạnh tranh với thế giới mà kể cả có cơ hội cũng không tận dụng được”.

Có một yêu cầu rất cao là các doanh nghiệp chỉ đạt được những lợi ích FTA đem lại, khi đã nằm hoàn toàn trong chuỗi cung ứng của họ, chứ không phải là một đơn vị hợp tác. Muốn vậy, thì doanh nghiệp Việt Nam phải mất nhiều chi phí, nhưng không phải ai cũng thành công, có nhiều người sẽ thất bại. Trong quá trình này, doanh nghiệp nào tận dụng được lợi ích sẽ vượt lên. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công dù đều bỏ ra chi phí.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với lộ trình cắt giảm sâu các dòng thuế theo cam kết, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam, như: thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, đường… sẽ bị tác động mạnh. Mặt khác, ngành công nghiệp Việt Nam, như: ô tô, sắt thép, may mặc… cũng sẽ phải đối đầu với các sản phẩm trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội, tại Hội thảo “Tác động của các hiệp định thương mại tự do tới thu ngân sách” cho rằng, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chịu hai sức ép, một từ nghĩa vụ thuế, hai là sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Để thành công trong hội nhập, không có cách nào khác doanh nghiệp phải chủ động trong việc tìm hiểu các cơ chế chính sách cũng như tìm các đối tác phù hợp, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời.

Nhiều thách thức đang chờ các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức gia nhập FTA

Theo các chuyên gia, chúng ta vẫn có thể bảo vệ sản xuất nội địa bằng hàng rào kỹ thuật, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ; hỗ trợ tín dụng cho sản xuất hàng công nghiệp (như thưởng xuất khẩu), hỗ trợ công nghệ hoặc áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử về đầu tư để tạo ưu thế cho doanh nghiêp nội địa. Nhưng khi áp dụng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này xuất khẩu sang thị trường nước khác thì có thể bị hiệp hội các doanh nghiệp tại nước đó kiện về việc được trợ giá, hay bán phá giá. Chính vì thế, Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để có thể đương đầu với những khó khăn này.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tại Hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các hiệp định thương mại tự do?” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tháng 5 cho rằng khi Việt Nam tham gia đầy đủ các FTA, ngành bán lẻ Việt Nam hầu như không được hỗ trợ nhiều trong không gian chính sách sau FTA, nếu có được hỗ trợ thì cũng chưa tương xứng và hiệu quả chưa cao. Trong tương lai, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn Nhà nước tiếp tục và trợ giúp nhiều hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, quảng bá thương hiệu… để thích nghi nhanh sau hội nhập.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “chúng ta phải đặt vấn đề một cách mạnh mẽ và phải đẩy mạnh tái cấu trúc theo định hướng của FTA chứ tự làm theo cách của ta để tái cấu trúc là rất khó”.

Để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, không còn con đường nào khác, với doanh nghiệp là phải cạnh tranh và cạnh tranh, doanh nghiệp muốn cạnh tranh toàn cầu phải gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới và sáng tạo, quan sát thế mạnh của doanh nghiệp “đối thủ” để từ đó hoạch định chiến lược cho riêng mình.

“Hiện nay nền kinh tế đang hội nhập sâu vào WTO, phải đẩy mạnh cải cách mới có thể phát triển, áp lực hội nhập giống như một thời cơ, tạo ra động lực để ta cải cách. Nếu chúng ta thấy khó, bỏ đường hướng thì ta sẽ tụt lại. Thách thức giống như cơ hội để tạo động lực”. TS. Thiên nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo

1. Sông Trà (2015). Cắt giảm Thuế không tác động lớn tới ngân sách, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/26629802.html

2. Thúy Ngọc (2015). Thực hiện cam kết FTA: vẫn còn không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/thuc-hien-cam-ket-fta-van-con-khong-gian-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep.html

3. Cổng TTĐT Chính phủ (2015). FTA- Dưới góc nhìn của Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp, truy cập từ http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/FTA-Duoi-goc-nhin-cua-Nha-nuoc-chuyen-gia-va-doanh-nghiep/222889.vgp

4. Hoàng Hà (2015). Ngành bán lẻ Việt Nam: trăn trở sau các FTA, truy cập từ http://www.nguoiduatin.vn/nganh-ban-le-viet-nam-tran-tro-sau-cac-fta-a192082.html