Quy luật “thanh lọc” đang phát huy tác dụng

Tại báo cáo mới nhất vừa được công bố, Cục Quản lý và Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, “thanh lọc” vẫn là một quy luật tốt của nền kinh tế thị trường khi những doanh nghiệp thực sự “khỏe mạnh”, có chất lượng tiếp tục thể hiện vai trò là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 10.988 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308.809 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 45.406 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 lên tới 591.205 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2015 là 651.398 lao động, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê theo quý cho thấy, quý II/2015 đang là điểm sáng với số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đổ vào thị trường lớn nhất kể từ quý I/2014 đến nay. Bên cạnh đó, nếu so sánh với quý gần nhất là quý I/2015, thì quý II/2015 có bước tiến khá dài với việc tăng thêm 7.308 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 38,4% ) và 59.960 tỷ đồng (tăng 53,9%) về số vốn đăng ký.

Biểu đồ 1: Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký theo Quý

Trong cả nước, duy nhất có Tây Nguyên là vùng có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2014, các tỉnh/thành còn lại đều tăng. Cụ thể: vùng Đồng bằng Sông Hồng tăng 26,7%, Trung du và miền núi phía Bắc tăng 16,9%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 20,5%, Đông Nam Bộ tăng 24,7%, Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 16,5%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập thị trường so với 6 tháng đầu năm 2014, như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 134,8%; Kinh doanh bất động sản tăng 65,0%; Vận tải kho bãi tăng 52,6%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 36,6%... Đặc biệt, nhờ có các biện pháp xử lý nợ xấu và đẩy mạnh tái cơ cấu thông qua việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể của Chính phủ đã giúp cho khu vực ngân hàng tránh được nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Cụ thể: số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,1%; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động giảm 14,9% và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 94,44%.

Biểu đồ 2: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

theo lĩnh vực hoạt động

Một tín hiệu đáng mừng nữa cho thấy các giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đó là số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng giảm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng lên. Cụ thể: số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2015 của cả nước so với cùng kỳ năm 2014 là 4.708 doanh nghiệp, giảm 0,9%; Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 27.051 doanh nghiệp, giảm 5,8%; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 2,2%.

Như vậy, có thể thấy khoảng cách giữa số doanh nghiệp mới và số doanh nghiệp giải thể đang được kéo dãn theo hướng tích cực. Đây là tín hiệu sáng chứng tỏ sự tốt lên của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Ngoài ra, những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian gần đây cũng đã làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này được chứng minh qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố trong tháng 04/2015, khi có 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới và lần đầu tiên có hơn 70% doanh nghiệp cho biết, họ hài lòng với công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế.

Song, vẫn còn những mảng tối

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, thì bức tranh doanh nghiệp vẫn còn những điểm tối đáng lo ngại. Điển hình là việc số lượng doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động tuy giảm, nhưng thống kê cho thấy, phần lớn trong số này là những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ. Cụ thể: số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng lần lượt chiếm tới 93,2% và 94%; trong khi doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 1,29% và 0,52%. Sự chênh lệch quá lớn này, phần nào cho thấy rằng, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có sức chống chọi vô cùng yếu trước những khó khăn của thị trường.

Một dấu hiệu cũng phản ánh những mặt tối trong bức tranh doanh nghiệp được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2015, đó là có tới gần 70% doanh nghiệp tư nhân kinh doanh không có lãi. Trong đó, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại là 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao...

Trước đó, cũng nhận định về vấn đề này, tại hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015”, ngày 18/11/2014, ông K.Balasingam, Tổng Giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) cho biết, khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và dòng tiền vẫn là nguyên nhân quan trọng khiến số doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu kém. Ông K.Balasingam cho biết, hiện chỉ có 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí rất cao.

Bên cạnh những khó khăn về tiếp cận vốn, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến sự yếu kém, cũng như tầm quan trọng về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác đổi mới công nghệ, trong khi đó, tại Hàn Quốc, con số này chiếm 10% doanh thu của doanh nghiệp. Chính vì không chịu đầu tư đổi mới công nghệ, nên năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn đang thấp so với nhiều nước khác trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia, Singapore…

Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần phải xem xét những khó khăn, yếu kém nội tại của mình, từ đó tìm các biện pháp khắc phục. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới sáng tạo, đầu tư vào công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Sắp tới, quá trình hội nhập kinh tế sâu, rộng với hàng loạt các FTA đã và đang được ký kết buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh và cạnh tranh. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, thì những hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước là vô cùng cần thiết, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc sớm hoàn thiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để trợ giúp tốt hơn cho khối doanh nghiệp yếu, kém này trước sức ép của thị trường./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-2793-chua-co-dn-viet-nam-nao-thanh-cong-nho-cong-nghe.html

http://www.vietnamplus.vn/co-toi-gan-70-so-doanh-nghiep-nho-va-vua-kho-tiep-can-von/291893.vnp