Vì vậy, nếu không sớm thay đổi tư duy kinh doanh, doanh nghiệp trong nước sẽ chỉ còn rất ít đất sống trên thị trường này.

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong cuộc chơi mới?

Theo số liệu được đưa ra tại Diễn đàn M&A thường niên 2015 lần thứ 7 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 06/08 vừa qua, đi đầu các thương vụ M&A trong năm 2014-2015 là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị các thương vụ M&A.

Điều này thể hiện xu hướng các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.

Trong đó, đáng chú ý là hàng loạt các thương vụ này đều được thực hiện bởi các nhà bán lẻ ngoại. Những thương vụ đình đám nhất phải kể đến là thương vụ Berli Jucker (Thái Lan) mua lại chuỗi hệ thống Metro; Aeon (Nhật Bản) đầu tư vào Citimart và Fivimart; Cetral Group (Thái Lan) nắm 49% cổ phần của Nguyễn Kim.

Theo lộ trình cam kết, kể từ ngày 01/01/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc thị trường bán lẻ sẽ hoàn toàn mở cửa cho các nhà đầu tư ngoại. Hiện nay, hầu hết các quốc gia thành viên hưởng lợi từ các FTA đều đã có đại diện bán lẻ của họ với kênh phân phối đang được phát triển mạnh, sẵn sàng đưa hàng hóa vào Việt Nam. Hai hệ thống bán lẻ khổng lồ Walmart và 7 – Eleven gần đây cũng đã lên tiếng đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.

Trong khi đó, năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn còn yếu kém. Để minh chứng dễ thấy nhất cho việc “thua trên sân nhà” của ngành bán lẻ, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, trung bình cứ 4 siêu thị nội ra đời, sẽ có 2 siêu thị phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài có thể sẽ “bóp chết” nhà sản xuất trong nước. Bởi lẽ, khi các nhà bán lẻ nước ngoài nắm quyền quản lý, hàng hóa nhập khẩu hoặc các nhãn hàng riêng cũng sẽ vào hệ thống và cạnh tranh trực tiếp với hàng nội.

Đơn cử, mới đây nhất khi Công ty Trần Anh khai trương siêu thị rộng 4.000 m2, một gian hàng riêng trưng bày hàng Nhật đã được thiết kế. Hoặc tại hệ thống siêu thị Fivimart và Citimart, các sản phẩm hàng hóa Hàn Quốc cũng bắt đầu được đưa vào.

Tại thị trường, dễ nhận thấy, hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang được đánh giá là “lên ngôi” khi có giá bán phù hợp, chất lượng cạnh tranh.

Nếu không có những thay đổi đột phá nào, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng các tập đoàn ngoại sẽ chiếm lĩnh thị phần ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam sau năm 2020. Chỉ còn bốn năm nữa (giai đoạn 2016-2020) cho các nhà bán lẻ nội địa giành thị phần bán lẻ. Sau năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ được định hình và tương đối ổn định. Cuộc chơi sẽ chỉ còn là của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và số ít nhà bán lẻ nội đã định vị được thương hiệu.

“Cửa” nào cho doanh nghiệp nội?

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ nội có thể còn tìm thấy là khu vực nông thôn và ngoại thành hầu như chưa xuất hiện hệ thống phân phối. Nếu doanh nghiệp sản xuất Việt có hàng hóa chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, đây sẽ là lợi thế rất lớn khi đàm phán với siêu thị nếu họ muốn phục vụ thị trường này. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do, như: AEC, TPP… mở ra cơ hội rất lớn phục vụ thị trường tiềm năng của các nước thành viên.

Để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp sản xuất Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh vốn đã theo lối mòn bằng các chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối, tiếp thị sáng tạo, mô hình quản lý hiệu quả để nâng cao năng lực sản xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ trong nước có lợi thế không thể phủ nhận đó là am hiểu văn hóa, thị hiếu của người Việt. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối lên hơn 80%. Đây chính là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao vị thế và tận dụng lợi thế sân nhà.

Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện có khoảng 71% người tiêu dùng trong nước tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao do chất lượng hàng hóa khá tốt và có giá hợp lý.

Có thể lấy trường hợp của Lotte (Hàn Quốc) làm minh chứng tiêu biểu cho lợi thế “bản địa”. Năm 2011, giới kinh doanh ngành hàng bán lẻ thế giới đã chứng kiến sự rút lui “lặng lẽ” của hai “gã khổng lồ” Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) khỏi thị trường Hàn Quốc vì không thể cạnh tranh được với thương hiệu bản địa Lotte của “xứ kim chi” vốn có khả năng xoay xở nhanh và nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc.

Ở tầm vĩ mô, cần có những biện pháp, rào cản kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn ở Nhật Bản có quy định trong bán kính 50 km đã có một siêu thị thì không cho một siêu thị nước ngoài mọc lên./.