Lý do khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của các cảng biển là do tỷ lệ nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (75%)

Vinalines đã xử lý được 25% công nợ

Theo báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Vinalines, thì Tổng công ty này đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra, tuy nhiên “các khoản nợ lớn vẫn là gánh nặng đè lên nỗ lực thoát lỗ của các đơn vị”.

Cụ thể, tổng doanh thu của toàn Tổng công ty 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 9.356 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm 2015 và bằng 99% so với cùng kỳ năm 2014.

Công ty mẹ lãi 124 tỷ đồng. Song, tính toàn Tổng công ty, thì dự kiến lỗ 197 tỷ đồng (hợp nhất theo tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp và không bao gồm các đơn vị đang thực hiện thủ tục phá sản).

Lỗ ở đây chủ yếu là lỗ lũy kế, do các khoản nợ vẫn rất lớn.

Thực tế, tiền đầu tư của các doanh nghiệp vận tải thuộc Vinalines đều đi vay. Nên dù lãi suất ngân hàng từ chỗ lên tới 18-20% đã giảm về mức 10-12%, song vẫn cao hơn thực tế lãi suất thị trường hiện chỉ có 7-8%.

Đa số tàu được mua vào giai đoạn 2007-2008, khi thị trường đang lên, giá tàu rất cao, do đó khấu hao tàu cũng rất lớn. Chẳng hạn, tàu 70 triệu USD, khấu hao mỗi năm khoảng 7 triệu USD.

Suốt thời gian qua, nhiều nút thắt trong tái cơ cấu tài chính đã được tháo gỡ, nhiều khoản nợ của Vinalines đã được xử lý.

Đến nay Công ty mẹ Vinalines đã xử lý giảm nợ được gần 3.700 tỷ đồng, tương đương với 25% công nợ, trong đó gồm cả các khoản nợ trong nước và nước ngoài. Chỉ riêng quý 2/2015, Công ty mẹ tiếp tục xử lý được 1.431 tỷ đồng nợ phải trả.

Dự kiến cả năm 2015, hệ thống Vinalines đạt 18.500 tỷ đồng doanh thu và công ty mẹ lãi 197 tỷ đồng.

Gỡ vướng mắc để Vinalines nâng chất cổ phần hóa

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa đối với 05 doanh nghiệp thành viên, đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với 3 doanh nghiệp (Vinashinlines, Falcon, Công ty CNTT Cà Mau) và đã hoàn tất công tác giải thể đối với Công ty cổ phần Phát triển Cảng Bến Đình Sao Mai và đang hoàn tất các thủ tục giải thể đối với Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines và Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô.

Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn tại 11 doanh nghiệp với số tiền thu về gần 1.257 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thoái vốn lên 32 doanh nghiệp và tổng số tiền thu về gần 1.790 tỷ đồng, bảo toàn được vốn đã đầu tư.

Trong đó, thoái vốn thành công tại 28 doanh nghiệp, 04 doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện thoái lần hai. Các doanh nghiệp thoái vốn đều bảo toàn vốn đầu tư và có lãi.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thời gian qua, việc cổ phần hóa các cảng biển của Vinalines mới đạt kết quả về mặt tiến độ nhưng số lượng cổ phần bán được qua IPO lại không được như các doanh nghiệp mong muốn.

Điển hình như cảng Quảng Ninh chỉ bán được 7,5% cổ phần, cảng Nha Trang “ế” trên 90% cổ phần ngày IPO.

Đặc biệt, cảng Hải Phòng còn bán chưa được tới 6%. Không những thế, số cổ phần bán được chủ yếu là của cán bộ nhân viên và một số bạn hàng, đối tác của doanh nghiệp.

Lý do khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu của các cảng biển là do tỷ lệ nhà nước nắm cổ phần chi phối quá cao (75%).

Theo Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt theo Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt ngày 04/02/2013 và Công văn số 2342/TTg-ĐMDN ngày 21/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012 - 2015, thì tỷ lệ cổ phần Vinalines nắm giữ tại: Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là từ 65% đến 75%, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn là từ 50% đến dưới 65%.

Do vậy, thực tế rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn nên phải giảm tỷ lệ Vinalines nắm giữ tại các cảng này. Đã vậy, vai trò dẫn dắt của Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn cũng đã thay đổi (cả về quy mô, năng lực sản xuất, quốc phòng - an ninh...) không còn như trước đây (sản lượng thông qua Công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng đạt 28,7% của khu vực Hải Phòng, Cảng Sài Gòn đạt 10,5% của khu vực).

Để giải quyết vướng mắc này, tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ sau tái cơ cấu mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước mắt thoái vốn của Vinalines tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn xuống còn 20% vốn điều lệ của các công ty này.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trường hợp các cảng thực hiện chuyển đổi công năng, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.

Đối với các cảng biển trực thuộc Vinalines đã cổ phần hóa, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát lại, tiếp tục đề xuất phương án thoái vốn phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của Vinalines nắm giữ tại các cảng biển trực thuộc sau cổ phần hóa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2015./.