Ngày 02/10/2015, Diễn đàn doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ Việt – Nga do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Liên Hiệp hội Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn này là một phần trong dự án lớn “Nga - Việt Nam: Nền kinh tế mới” được triển khai từ tháng 04/2012. Thông qua diễn đàn, các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội trao đổi, học hỏi từ những chuyên gia công nghệ của 5 doanh nghiệp lớn tại Liên bang Nga, đó là: UVICOM, Minskmetroproekt, BIPRON, Nano Serv, Avrora-M về các lĩnh vực: Sản xuất thiết bị trong y tế và dụng cụ thể thao; Công nghệ sinh học nano làm sạch hệ thống sưởi, hệ thống thiết bị nhiệt và công nghiệp; Sản xuất các sản phẩm trong công nghiệp hóa học và khai thác dầu khí, chế tạo ô tô, dệt may, kỹ thuật điện và điện tử…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Strozaeva Lubov Viktorovna, Trưởng đoàn Khoa học - Kỹ thuật Liên bang Nga,cho biết, trong 3 năm triển khai Dự án, bà đã đến thăm Việt Nam 9 lần và thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ. Chính vì vậy, bà đánh giá, tiềm năng chuyển giao công nghệ giữa hai nước là rất lớn và hy vọng các doanh nghiệp của Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, để gắn bó, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong thời gian qua.

Nói về những thành công của Dự án “Nga - Việt Nam: Nền kinh tế mới”, bà Strozaeva Lubov Viktorovna cho biết, Dự án đã được trển khai trong hơn 3 năm và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc chuyển giao công nghệ giữa hai nước, như: một số các doanh nghiệp Nga và Việt Nam đã đạt được những ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ, một số khác đã bắt đầu chuẩn bị những văn bản hợp tác liên doanh, liên kết và đặc biệt là đã có một số doanh nghiệp của Nga cung cấp các sản phẩm khoa học - công nghệ của mình cho đối tác Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Strozaeva Lubov Viktorovna cũng cho biết, chuyển giao công nghệ không phải là một quá trình nhanh chóng và dễ dàng, không giống như bán một món hàng, mà đòi hỏi rất nhiều thời gian để nước tiếp nhận chuyển giao, cụ thể là Việt Nam xem xét, thử nghiệm tính hiệu quả và giá trị thực tế của công nghệ, từ đó mới cấp bằng chứng nhận đăng ký chuyển giao.

“Với tư cách là nước chuyển giao công nghệ, chúng tôi cũng phải làm rất cẩn thận những khâu thử nghiệm này, để đảm bảo khi nhận được công nghệ rồi các bạn có thể yên tâm sản xuất”, bà Strozaeva Lubov Viktorovna nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nga trong việc chuyển giao công nghệ, bà Lê Thị Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ cho biết, 70 năm qua Việt Nam luôn coi Nga là người “anh cả” để giao lưu trên nhiều lĩnh vực, như: công nghệ, văn hóa, con người… Chính vì vậy, bà Vân tin tưởng rằng, với mối quan hệ mật thiết trên, việc chuyển giao công nghệ giữa Nga và Việt Nam sẽ dễ dàng và thuận lợi.

Theo đó, để xúc tiến, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gắn kết nhà khoa học Nga với doanh nghiệp, bà Vân cho biết, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ sẽ dịch, chuyển ngữ tất cả những tài liệu về công nghệ của các chuyên gia Nga để đưa lên Cổng thông tin chuyển giao công nghệ quốc gia - trang web chính thống và lớn nhất Việt Nam ở lĩnh vực này; qua đó sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với những nghiên cứu mới mà các chuyên gia Nga muốn chuyển giao./.