Ý kiến của cử tri tỉnh An Giang gửi đến Quốc hội băn khoăn về những tác động xấu của tình hình doanh nghiệp giải thể đối với nền kinh tế.

Cử tri cho rằng, số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp giải thể tương đương nhau. Tuy nhiên, về tác động nền kinh tế thì đây là biểu hiện sự suy yếu của nền kinh tế, vì hậu quả của một doanh nghiệp bị giải thể để lại lớn hơn so với sự đóng góp của doanh nghiệp mới thành lập.

Vì thế, cử tri kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có đánh giá khách quan để có chính sách cụ thể đối với các doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời rằng, trong những năm gần đây, dư luận rất quan tâm tới số liệu doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đây là số liệu được xây dựng và tổng hợp dựa trên sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, được thống kê một cách chính thức và đầy đủ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, sự quan tâm, lo lắng của cộng đồng về số liệu trên cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, theo thực tiễn quốc tế, việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là một đặc trưng khách quan về tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Cụ thể, tại Vương quốc Anh, trong một năm (tháng 3/2013-3/2014), có 533.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng đồng thời cũng có 332.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm tỷ lệ 62,2%; tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại New Zealand, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động là dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực EU, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%.

Trong khi đó, ở Việt Nam, đến thời điểm hiện nay có khoảng 550.000 doanh nghiệp tồn tại trên tổng số 830.000 doanh nghiệp đã từng gia nhập thị trường, tương đương tỷ lệ 66%.

Theo số liệu tổng hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước có khoảng 61.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 29,2% so với cùng kỳ), có khoảng 6.200 doanh nghiệp giải thể (giảm 1,2% so với cùng kỳ 2014) và 39.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ 2014).

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước có 11.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi nói đến “sức khỏe” doanh nghiệp, một yếu tố quan trọng khác cần nhắc đến đó là số vốn đăng ký.

Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đăng ký của 61.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 376,4 nghìn tỷ đồng (tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra, có trên 15.000 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm khoảng 481,5 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm lên 857,9 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy, không có cơ sở để khẳng định số liệu về tình hình doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động thể hiện sự suy yếu của nền kinh tế”, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Mặt khác, việc doanh nghiệp thành lập và giải thể là một đặc điểm tự nhiên của nền kinh tế.

“Do đó, các chính sách về kinh tế cần phải tập trung vào bộ phận lớn các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, đồng thời cần có thêm một số chính sách khác để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, quay trở lại hoạt động để kích thích tăng trưởng về chất lượng và quy mô, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.