Gần 10 nghìn doanh nghiệp thành lập mới

Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, nếu so sánh số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 5 năm gần đây, thì năm 2015 là năm kỷ lục có số doanh nghiệp và số vốn đăng ký cao nhất (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Số doanh nghiệp và số vốn giai đoạn 2011-2015

Với số doanh nghiệp tăng trong năm 2015, thì số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1.471,92 nghìn lao động, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kế theo quý cho thấy, các quý trong năm 2015 đều có số doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ của các quý năm trước, lần lượt là: Quý IV/2015 tăng 22%, 61,3%; Quý III/2015 tăng 44,5%, 54,9%; Quý II/2015 tăng 39%, 28,8%; Quý I/2015 tăng 3,8%, 13,5%.

Trong cả nước, hầu hết các khu vực đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, bao gồm các khu vực là Đồng bằng sông Hồng (31,4%); Trung du và miền núi phía Bắc (28,4%); Đông Nam Bộ (27,8%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (24,2%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,4%), duy nhất có khu vực Tây Nguyên là giảm 4,6%.

Trong năm 2015, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng ở tất cả các ngành, lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tăng cao là: Kinh doanh bất động sản (86,2%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (62,3%), Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (59,3%) (Biểu đồ 2).

Biều đồ 2: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo ngành, lĩnh vực hoạt động

Ngoài ra, trong năm 2015, cả nước có 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương được ban hành đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

Song, cũng có đến hơn 80 nghìn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm 2015 là 80.858 doanh nghiệp. Trong đó, chấm dứt hoạt động kinh doanh là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng của cả nước là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, cả nước có tới 75.610 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng giải thể, tạm ngừng hoạt động, chiếm tới 95,51% tổng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Lý do dẫn đến thực trạng trên được Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đưa ra, đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn thường được tổ chức tốt hơn, có trình độ quản lý, nguồn lao động và công nghệ sản xuất phát triển so với doanh nghiệp quy mô nhỏ nên có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn.

Phân theo vùng lãnh thổ, trong năm 2015, doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng tại một số vùng so với cùng kỳ năm trước, như: Tây Nguyên là 30,3%; Đồng bằng sông Hồng tăng 16,7%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 0,1% (Biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Số doanh nghiệp giải thể theo vùng lãnh thổ

Ở chiều ngược lại, các vùng có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là Trung du và miền núi phía Bắc giảm 14,8%; Đồng bằng sông Cửu Long giảm 6,0% và Đông Nam Bộ giảm 4,2%.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, trong năm 2015, 3 ngành, lĩnh vực có doanh nghiệp giải thể tăng cao nhất là: Thông tin và truyền thông (104,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (77,8%); Sản xuất phân phối điện, nước, ga (28,3%).

Biểu đồ 4: Số doanh nghiệp giải thể theo ngành, lãnh thổ