Năm 2015: Lợi nhuận của Vinacomin giảm mạnh

Theo báo cáo tổng kết của Vinacomin, doanh thu của Tập đoàn năm 2015 ước đạt 106,86 nghìn tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu sản xuất than là 53,9 nghìn tỷ đồng, khoáng sản là 6,2 nghìn tỷ đồng, điện 12,2 nghìn tỷ, vật liệu nổ công nghiệp 4,36 nghìn tỷ, sản xuất, kinh doanh khác là 27,4 nghìn tỷ.

Mặc dù tăng về doanh thu, song lợi nhuận của Tập đoàn lại giảm ¼ so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân được Tập đoàn chỉ ra, đó là: giá than, khoáng sản giảm, điều kiện khai thác khó khăn, thuế phí tăng, chênh lệch tỷ giá, đặc biệt do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử diễn ra từ 26/07 đến 05/08/2015 làm cho ngành than thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, năm 2015 là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành than. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn cố gắng cải thiện tiền lương, điều kiện việc làm và phúc lợi cho người lao động.

Cụ thể: Tính đến 31/12/2015, Tập đoàn đã tạo ra 116.934 việc làm cho người lao động. Tiền lương bình quân chung của Tập đoàn là 9,1 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, lương của sản xuất than đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với mức tiền lương thực hiện năm 2015.

Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm của Tập đoàn vẫn tiếp tục được triển khai với số tiền đầu tư là 18.643 tỷ đồng. Ví dụ như: dự án đầu tư khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức 150 m; dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ than núi Béo; dự án nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ…

Ngoài ra, các bảo vệ môi trường cũng được Tập đoàn đặc biệt chú trọng. Bằng chứng là Tập đoàn đã hoàn thành 9 trạm xử lý nước thải đưa tổng số trạm xử lý nước thải vào vận hành lên 43 trạm; Hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường 100 ha bãi thải, đầu tư các đê đập chắn đất đá chân các bãi thải…

Năm 2016: Tiếp tục tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động

Năm 2016, Tập đoàn đặt ra mục tiêu tổng doanh thu là 110.016 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà bước 12,25 nghìn tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản là 23.810 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đưa ra một số giải pháp, như sau: (1), Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực kinh doanh; (2) Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư phát triển áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất; (3) Hoàn thiện công tác quản lý, phát triển thị trường sản phẩm và cơ chế quản lý tiêu thụ, kênh bán hàng phù hợp trong điều kiện có nhiều đơn vị kinh doanh than và đa dạng nguồn than; (4) Hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Đồng tình với những giải pháp tập đoàn đưa ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết thêm, năm 2016 có nhiều thách thức đối với ngành than, chính vì vậy, thời gian tới cần phải tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành và nâng cao năng suất lao động.

Đồng thời, bám sát diễn biến thị trường để triển khai có hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sản xuất than phải đáp ứng được nhu cầu than trong nước, khai thác, xuất nhập khẩu hợp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng cần tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò, nâng trữ lượng xác minh để có cơ sở dữ liệu đầy đủ cho hoạch định chính sách năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội sau này. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để thu hút vốn cho các dự án đầu tư, tập trung cho các dự án mỏ hầm lò mới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn chết người và sự cố lớn; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản ở Quảng Ninh, Tây Nguyên./.