Việt Nam là một thị trường dược phẩm tiềm năng với dân số trên 90,73 triệu người, cùng với đó là thu nhập bình quân của người dân ngày được cải thiện đáng kể, khiến nhu cầu các sản phẩm về dược của Việt Nam đang ngày càng tăng lên.

Nhận thấy những tiềm năng đó, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp dược ngoại ồ ạt đầu tư vào nước ta. Với nguồn lực tài chính dồi dào, các công ty dược có thể dễ dàng phát triển những loại thuốc mới hoàn toàn, nhằm thỏa mãn những nhu cầu của y học hiện đại.

Thống kê cho thấy, hiện nay, mặc dù số công ty sản xuất dược phẩm trong nước đang chiếm trên 85% trong tổng số công ty dược đang hoạt động, song thuốc của các doanh nghiệp nước ngoài lại chiếm từ 60%-70% thị phần của thị trường.

Nguyên nhân được cho là, đại đa số các doanh nghiệp dược Việt Nam mới chỉ đầu tư vào sản xuất một số các sản phẩm thuốc generic, chứ chưa đầu tư sản xuất được để có nền công nghiệp sản xuất thuốc generic, những thuốc đặc trị chuyên khoa, dạng bào chế đặc biệt hay những sản phẩm thuốc mới trên thị trường.

Chính vì vậy, thuốc ngoại dù ít hơn về số lượng, nhưng giá trị lại cao hơn và diện bao phủ rộng hơn tới gần 1.000 hoạt chất, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm có giá trị về kinh tế rất lớn. Vì thế, dù chi phí tiêu dùng thuốc bình quân của người Việt đã lên ở mức 38 USD/người/năm, nhưng phần lớn là mua thuốc ngoại.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia lo ngại khối ngoại sẽ "độc chiếm" thị trường ngành dược Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được ký kết, nhất là TPP.

Theo đó, để giữ thị phần trong nước và xuất khẩu, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang cho rằng, các doanh nghiệp dược Việt Nam phải nâng được tầm của mình lên, tức là danh mục sản phẩm phải đa dạng; vượt trội về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; chất lượng sản phẩm – dịch vụ phải tốt.

Bên cạnh đó, bà Nga cũng nhận định, các doanh nghiệp dược Việt Nam có thể tham khảo việc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, đầu tư, đổi mới công nghệ...(Lê Dung, 2015).

Dưới góc độ của doanh nghiệp dược ngoại, ông Tibor Novak - Trưởng đại diện Công ty dược Gedeon Richter đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp nội, đó là các doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình hướng đi riêng, cung cấp các sản phẩm dược có chất lượng cao, cập nhật liên tục các sản phẩm thế hệ mới, nhưng giá cả hợp lý và những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu thực sự. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống phân phối uy tín, lan tỏa đến mọi nơi, đạt độ tin cậy trong giới y khoa và người tiêu dùng… (Thanh Thanh, 2015).

Tham khảo từ:

1. Thanh Thanh (2015). Thị trường dược phẩm tiềm năng nhiều, cạnh tranh lớn, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-duoc-pham-viet-nam-tiem-nang-nhieu-canh-tranh-lon.html

2. Lê Dung (2015). Cơ hội chuyển mình của ngành dược, truy cập từ http://enternews.vn/co-hoi-chuyen-minh-cua-nganh-duoc.html