Ngày 29/01/2016, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Những điều doanh nghiệp cần biết.

Vừa “mừng”, vừa “lo”

Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất, phức tạp nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Đặc biệt với những cam kết cao hơn, cùng thị trường rộng lớn hơn 800 triệu dân, Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, các nước thuộc TPP cam kết xóa bỏ từ 78%-95% số dòng thuế trong biểu thuế cho Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và sẽ xóa bỏ từ 97%-100% số dòng thuế trong biểu thuế ở cuối lộ trình giảm thuế.

“Điều đặc biệt là, cam kết về lộ trình giảm thuế của Việt Nam đối với hàng hóa của 11 nước thành TPP chậm hơn so với họ mở cho ta”, bà Trang nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Trang cũng cho biết, các lợi ích khác mà doanh nghiệp được hưởng khi tham gia TPP đó là, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh, có cơ hội để học hỏi về kinh nghiệm quản lý, cũng như tiếp thu công nghệ của các nước lớn ...

Tuy nhiên, bà Trang cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, nắm bắt cơ hội này không phải dễ, bởi các yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp nhà nước, cũng như rào cản từ các biện pháp về phòng vệ thương mại.

Nhận định về việc hội nhập TPP, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà vừa “mừng”, vừa “lo”, nhưng vẫn “lo” hơn là “mừng”, bởi các lý do sau:

(1) Qua thực tiễn hội nhập quốc tế của nước ta cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tận dụng được 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế, trong đó, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA.

(2) Môi trường kinh doanh chung của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với các nước khác. (

3) Những yếu kém nội tại của bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, như: quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, công nghệ lạc hậu...

Doanh nghiệp cần tự tin

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành không nên chỉ lo ngại về hội nhập mà cần phải tự tin, phải “liều”. Bởi, những thành công trong hội nhập của 20 năm qua khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, tham gia WTO đã chứng minh nguyên lý, trong hội nhập quan trọng không phải là lợi thế tuyệt đối mà là lợi thế so sánh. Đó là lý do Việt Nam có thể bắt tay cùng các nước lớn, tham gia hiệp định tiêu chuẩn cao bậc nhất thế giới như TPP.

Theo đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nhìn vào lợi thế so sánh của chính mình để tìm cơ hội sản xuất, kinh doanh, thay vì “phát hoảng” trước lợi thế tuyệt đối của đối thủ các nước thành viên TPP.

“Bất kỳ ai, ở đâu và lúc nào, sự tự tin và khả năng phát huy lợi thế cá nhân, lợi thế so sánh chính là bước chuẩn để doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế trên sân chơi hội nhập, cũng như sẵn sàng cạnh tranh với bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào?”, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện cho đoàn đàm phán TPP, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định bước đi để nhanh chóng gia nhập thị trường.

“Đương nhiên, ban đầu sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi những va chạm. Song, với những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập”, bà Nga cho biết

Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế, đồng thời tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA nói chung, TPP nói riêng, thì doanh nghiệp cũng cần chủ động và tích cực tìm hiểu các kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, chống tham nhũng hay giải quyết tranh chấp... của các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, cần thực thi tốt các cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp nhà nước, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, bà Trang cũng khuyến nghị đối với các cơ quan nhà nước là cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa để doanh nghiệp có điều kiện để phát triển và hội nhập./.