Công tác đánh giá rủi ro chưa được quan tâm đúng mức

Hiện nay, doanh nghiệp là một trong những lực lượng chủ chốt góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, môi trường làm việc an toàn là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những gì cần ngay trước mắt phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận, mà chưa chú ý đến những việc có thể xảy ra trong tương lai nên đã sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, sử dụng lao động không có hợp đồng, chưa qua đào tạo, lao động mùa vụ... để tiết giảm chi phí.

Điều này dẫn đến tình trạng còn xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy có cao. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2006-2014, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.800 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 50.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến tháng 6/2015, cả nước đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động làm 3.499 người bị nạn.

Việc người sử dụng lao động chưa quan tâm, thiếu giải pháp, người lao động thiếu kiến thức, hiểu biết về an toàn vệ sinh lao động dẫn đến việc không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường... Theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2011-2015 trung bình hàng năm, mới đo, kiểm tra môi trường lao động được gần 550.000 mẫu. Số mẫu đo, kiểm tra môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép chiếm trên 10% và chưa có xu hướng giảm. Mỗi năm chỉ có gần 1,2 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ (chiếm khoảng 5%-8% người lao động có hợp đồng lao động), 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp...

Đáng chú ý, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới quy định việc giải quyết hậu quả thông qua chi trả chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mà chưa quy định về việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chia sẻ rủi ro với người sử dụng lao động khi xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong khi công tác phòng ngừa tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu đang là xu thế chung, là chuẩn mực quốc tế cũng như yêu cầu nội luật hóa các Công ước của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động


Doanh nghiệp cần nâng cao công tác tự đánh giá rủi ro

Trước tình hình rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động chưa được quan tâm đúng mức, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật, cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa nó là hết sức cấp thiết.

Do vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Dự thảo nhấn mạnh người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động chủ động quyết định, nhưng phải bảo đảm việc kiểm tra toàn diện được tiến hành ít nhất 6 tháng/lần ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 3 tháng/1 lần ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất.

Đối với nhóm công ty hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì các quy định về tự kiểm tra được áp dụng cho từng công ty trong nhóm.

Đồng thời, theo Dự thảo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải mở sổ thống kê các nội dung cần phải thống kê theo quy định hiện hành. Các số liệu thống kê phải được lưu giữ ít nhất là 5 năm ở cấp phân xưởng và 10 năm ở cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Định kỳ 6 tháng và hằng năm, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức sơ kết, tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động, với các nội dung: Phân tích các kết quả, các thiếu sót, tồn tại và các bài học kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc biệt, hướng dẫn rõ hơn về phương pháp đánh giá, Dự thảo quy định, việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện trên cơ sở kết hợp hai phương pháp: đánh giá định tính và đánh giá định lượng.

Trong đó, đánh giá định tính là phương pháp tiếp cận nhằm mô tả và phân tích đặc điểm điều kiện lao động của các nghề, công việc, quy trình sản xuất để nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo cảm quan của con người; Đánh giá định lượng là phương pháp chấm điểm đánh giá trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường lao động, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Thời điểm đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động do người sử dụng lao động quyết định, nhưng phải đảm bảo đánh giá tổng thể ít nhất một lần trong 3 năm. Đồng thời, trong quá trình triển khai phải thường xuyên rà soát, cập nhật khi có những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh mới do thay đổi về nguyên vật liệu đến công nghệ, tổ chức sản xuất hoặc khi có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Ngay sau khi phê duyệt, người sử dụng lao động có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến hoặc hướng dẫn cho người lao động cũng như khách đến tham quan cách nhận biết và biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Dự thảo nêu rõ các hồ sơ trong quy trình đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được lưu trữ. Kết quả đánh giá tổng thể nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải gửi về sở lao động, thương binh và xã hội địa phương trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được người sử dụng phê duyệt./.