Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, hiện nay, cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 1,9 tỷ USD (2014 là 1,6 tỷ USD), chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các thị trường xuất khẩu chính của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là: Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc…

Mặc dù, có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, song sự gia tăng này vẫn chưa xứng đáng với tiềm năng phát triển của ngành hàng thủ công mỹ nghệ do gặp phải nhiều rào cản. Cụ thể, hiện có 90% hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu, nên chưa tìm được bản sắc riêng cho mình...

Bên cạnh đó, các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn mang nặng phương thức sản xuất nhỏ, lẻ ảnh hưởng lớn đến sự đồng đều trong chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa của thị trường tiêu thụ, dẫn đến sản phẩm sản xuất ra thiếu tính cạnh tranh và không được đánh giá cao.

Theo bà Setsuko Okura, chuyên gia trong lĩnh vực hàng và quà tặng của Nhật Bản cho biết, chỉ tính riêng tại thị trường Nhật Bản, mặt thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn còn tiêu thụ khá dè dặt. Mà nguyên nhân chính là do nhiều sản phẩm chưa phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, bà Setsuko Okura cho rằng, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nên chủ động trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sáng tạo nên những sản phẩm phù hợp. Có như vậy, mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác.

Còn theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủ công mỹ nghệ chất lượng cao của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng cải tiến mẫu mã, thường xuyên cập nhật các xu hướng kiểu dáng, thiết kế mới, nâng cao độ tinh xảo, đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý, tăng cường các hoạt động quảng bá, tiếp thị, thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra sự khác biệt trong thiết kế sản phẩm, chú ý đến tính thẩm mỹ, độ tinh xảo để những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phải mang hồn cốt, bản sắc của người Việt Nam, không gây nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại của các đơn vị kinh doanh khác”, ông Linh cho biết./.

Tham khảo từ một số nguồn:

Mai Thanh (2016). Phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ: Rào cản và giải pháp, truy cập từ http://enternews.vn/phat-trien-nganh-hang-thu-cong-nghe-rao-can-va-giai-phap.html

Hồng Anh (2015). Đẩy mạnh xuất khẩu thủ công mỹ nghệ và Liên bang Nga, truy cập từ http://laodongthudo.vn/day-manh-xuat-khau-thu-cong-my-nghe-vao-lien-bang-nga-31296.html