Thị trường tiềm năng

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam” tổ chức vào ngày 18/12/2015, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thị trường nông thôn là “mảnh đất màu mỡ” song dường như các doanh nghiệp Việt vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế hiện nay, tại các chợ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu xuất hiện các sản phẩm của Trung Quốc, ít thấy bóng dáng hàng Việt Nam.

Dẫn lời bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho rằng, tại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry mà tập đoàn TCC của Thái Lan đang sở hữu, cơ cấu hàng hóa sẽ là 60%-70% hàng Thái, phần còn lại dành cho các quốc tịch khác.

Thực tế này cho thấy, việc chen chân vào hệ thống phân phối hiện đại nói chung, vốn đã rất mệt mỏi, sẽ càng khó khăn và đắt đỏ hơn.

Vì vậy, theo bà Hạnh, các doanh nghiệp Việt Nam thay vì cố gắng để giành một vị trí đầu quầy, đầu kệ tại siêu thị với các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp Thái thì nên đi về nông thôn, mở các cửa hàng chuyên doanh.

Việc này, theo bà Hạnh, cần phải được làm “nhanh nhanh” vì người Thái cũng đã “thò chân” về thị trường nông thôn. Điều này thể hiện ở việc hội chợ Thái Lan có đông nghẹt người mua sau khi được tổ chức mỗi năm vài lần ở các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ.

Trong khi đó, với góc nhìn nghiên cứu, Công ty Nielsen Việt Nam trong nhiều báo cáo thị trường gần đây đều đưa ra nhận định, nông thôn hiện đang trở thành nguồn gốc tăng trưởng cho nhiều nhà sản xuất ở ngành hàng tiêu dùng nhanh. Bởi lẽ, trong thời gian qua, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở thị trường nông thôn luôn tốt hơn so với thành thị.

Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, từng nhận định trong một báo cáo rằng, nông thôn là “một miếng bánh” lớn của thị trường Việt Nam mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Người tiêu dùng tại khu vực này đang thay đổi rất nhanh khi trình độ học thức tăng, mức thu nhập được cải thiện, hiểu biết về những xu hướng mới trên thị trường được mở rộng.

Cụ thể: theo một khảo sát của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng nông thôn hiện nay đang "khát" các sản phẩm mới - có đến 77% muốn dùng thử những sản phẩm mới và 95% đánh giá cao sự đa dạng của sản phẩm.

Người tiêu dùng ở nông thôn lắng nghe và tin tưởng vào lời khuyên từ mọi người, kết quả là, quyết định của họ thường bị chi phối và ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Thực tế, gần ¾ người tiêu dùng nông thôn quan tâm đến những gì người khác nghĩ và hơn 8 trong 10 người (81%) nói rằng họ lắng nghe ý kiến và gợi ý từ người khác, cao hơn nhiều so với 46% người tiêu dùng ở thành thị. Hơn 70% người tiêu dùng ở nông thôn bị ảnh hưởng bởi gợi ý trước khi ra quyết định mua sắm.

Người mua hàng chủ yếu quan tâm tới các sản phẩm như chăm sóc gia đình và cá nhân, thức uống, gia vị và sản phẩm từ sữa ở các cửa hàng thương mại hiện đại còn thực phẩm tươi sống, gia vị thông thường và các vật dụng gia đình thì chủ yếu được mua tại kênh thương mại truyền thống.

Người tiêu dùng nông thôn đang là đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều doanh nghiệp, việc hiểu được họ là ai, họ mua gì, ở đâu, mua như thế nào và nắm bắt phương pháp tiếp cận hiệu quả sẽ là chiến lược quan trọng để thành công.

Cũng theo khảo sát của Nielsen, chợ truyền thống là kênh bán lẻ được ghé thăm nhiều nhất ở nông thôn với 16 lần mua sắm tại đây/tháng, sau đó là chợ phiên (14 lần/tháng) và hàng rong (9 lần/tháng). Người tiêu dùng nông thôn ghé các cửa hàng tạp hóa trung bình 6 đến 9 lần mua sắm/tháng.

Tuy nhiên đối với siêu thị thì tỷ lệ rất thấp - chỉ 1 lần/hai tháng. Chợ truyền thống chiếm tỷ trọng cao trong tiêu dùng tại nông thôn - trung bình hàng tháng một người tiêu dùng chi khoảng 655.200 đồng tại các kênh thương mại truyền thống và chỉ 175.000 đồng (8.30 USD) cho các cửa hàng thương mại hiện đại.

Cần làm gì để tiếp cận người tiêu dùng nông thôn?

Nielsen Việt Nam cũng khuyến nghị, khi nắm được cách tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn, doanh nghiệp bán lẻ cần mang đến những sản phẩm trung thực và bảo đảm bằng cách giữ vững những cam kết của thương hiệu, hãy chia sẻ ý thức cộng đồng và sự lạc quan của người tiêu dùng nơi đây.

Đồng thời, nên đa dạng hóa các kênh mua sắm và chiến lược phân loại sản phẩm nhằm đáp ứng tính hiếu kỳ của người tiêu dùng nông thôn, cung cấp các giá trị thực, và phát triển ngành hàng bằng cách mang đến sự đẳng cấp và phong cách sống nhất định.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải kết nối và chăm sóc những người ủng hộ thương hiệu mình nhằm tận dụng sức mạnh của truyền miệng. Biến mỗi người bán hàng thành một đại sứ thương hiệu, khai thác sức mạnh của truyền hình cùng với quảng cáo kỹ thuật số để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ.

Tại Hội thảo cuối năm 2015 của Bộ Công Thương nói trên, TS. Lê Đăng Doanh cũng đề xuất: “Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa hơn nữa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cũng cần phải có những hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước trong các chi phí vận chuyển, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”.

Tất nhiên, khai thác thị trường nông thôn thì không dễ dàng, vì vậy, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết, với thị trường nông thôn thì phải đầu tư về con người và thời gian rất lớn. Bởi lẽ, đặc trưng của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ.

“Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian để huấn luyện cho nhân viên về cách phục vụ, chăm sóc khách hàng ở nông thôn. Nhân viên thì vốn dĩ thích bán cho khách hàng lớn vì chi phí giao nhận thấp”, ông Vinh chia sẻ./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.thesaigontimes.vn/142640/Hay-huong-ve-thi-truong-nong-thon.html

http://m.daidoanket.vn/kinh-te/nong-thon-chu-yeu-la-hang-trung-quoc/80337