Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, trong tháng 02/2016, số doanh nghiệp thành lập mới là 5.584 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 53.756 tỷ đồng, giảm 32,9% về số doanh nghiệp và giảm 9,3% về số vốn đăng ký so với tháng 01/2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 02 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 35,1% so với tháng trước.

Tuy nhiên, tính chung 02 tháng đầu năm 2016, thì số doanh nghiệp và số vốn đăng ký lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Số doanh nghiệp thành lập mới là 13.904, với số vốn đăng ký là 113.039 tỷ đồng, tăng 1% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ (so sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 26,6%; vốn tăng 23,3%).

Theo đó, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh dự báo, trong quý I/2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước sẽ trên 22 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 178 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong 02 tháng đầu năm 2016, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng đầu năm là 198,5 nghìn lao động, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Theo vùng lãnh thổ, trong 02 tháng đầu năm, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại một số vùng lãnh thổ tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 1.999 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 8,8%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc có 566 doanh nghiệp, tăng 2,7%; Đồng bằng sông Hồng có 3.977 doanh nghiệp, tăng 0,5%; Đông Nam Bộ có 5.779 doanh nghiệp, tăng 0,1%.

Ngược lại, chỉ có 2 vùng là có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, đó là Đồng bằng sông Cửu Long, với 1.174 doanh nghiệp, giảm 4,2% và Tây Nguyên với 409 doanh nghiệp, giảm 1,9% (Biểu đồ 1).

Cũng trong 02 tháng đầu năm 2016, một số ngành, lĩnh vực hoạt động có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ, như: Kinh doanh bất động sản với 350 doanh nghiệp, tăng 89,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội với 62 doanh nghiệp, tăng 47,6%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga với 105 doanh nghiệp, tăng 19,3%; Giáo dục và đào tạo với 309 doanh nghiệp, tăng 19,3%...(Biểu đồ 2).

Còn một số ngành, lĩnh vực khác, như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Vận tải kho bãi... có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm sơ với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong 02 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 7.416 doanh nghiệp, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước (so sánh 2015/2014: doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 20,2%).

“Điều này cho thấy, một số giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương được ban hành đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển” Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh đánh giá.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động của cả nước lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Số doanh nghiệp tạm ngừng của cả nước là 16.471 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.195 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng (Bảng 1, Bảng 2). Điều đó cho thấy rằng, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn./.