Nhiều rào cản cản trở

Theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HAWASME), hiện nay có khoảng 24,8% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý (riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có 25% doanh nghiệp do phụ nữ quản lý). Các doanh nghiệp do nữ quản lý tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu lao động, trong đó có 0,75 triệu lao động nữ; nộp ngân sách 61,8 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản 3.858 nghìn tỷ đồng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp do nữ quản lý ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có thiên hướng sử dụng nhiều lao động nữ hơn và tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng nhanh hơn so với nam giới.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nữ quản lý lại thấp hơn nam giới và tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có xu hướng giảm gần theo quy mô tăng lên, tức là quy mô càng lớn, thì tỷ lệ nữ làm chủ càng giảm. Cụ thể: siêu nhỏ là 26,8%, nhỏ là 21,4%, vừa 19,8%, lớn là 13,6%.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả này được các đại biểu trong hội thảo cho rằng do phụ nữ gặp nhiều khó khăn về thời gian, khả năng giao tiếp, trình độ… hơn so với nam giới, trong đó, vấn đề eo hẹp về mặt thời gian được các đại biểu đề cập nhiều nhất.

Chia sẻ khó khăn của chính bản thân mình, bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gia Bảo cho biết: Là phụ nữ khi kinh doanh cực kỳ vất vả. Không có nhiều thời gian như nam giới, phụ nữ còn phải quan tâm, chăm sóc gia đình, nên thời gian dành cho công việc rất eo hẹp.

“Đặc biệt, nhiều lúc muốn học tập trao dồi thêm kiến thức, nhưng không có thời gian”, bà Hồng cảm thán.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia tư vấn luật của Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân Vùng Mekong (MBI), bà Marika Vilisaar cũng đưa ra một số khó khăn cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nữ làm chủ, như: Thiếu mạng lưới liên kết (vì các kết nối này thường sau giờ làm việc và tốn kém thời gian, trong khi nữ doanh nhân phải dành thời gian chăm sóc gia đình), Thiếu tài sản thế chấp (đây là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp do nữ làm chủ, bởi tài sản là bất động sản thường đứng tên của người chồng hoặc khó có thể tự mình quyết định về việc thế chấp tài sản)… Ngoài ra, còn có các trở ngại về môi trường pháp lý, văn hóa, tiếp cận quỹ đất, nguồn nhân lực, chính thức hóa và gánh nặng hành chính, tham nhũng và kết cấu hạ tầng…

Cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ

Mặc dù doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có nhiều rào cản hơn so với nam giới, nhưng chính sách liên quan đến việc trợ giúp doanh nghiệp nữ làm chủ gần như không có gì.

Theo TS. Lê Quang Cảnh, chuyên gia tư vấn của MBI, hiện tại mới chỉ có Nghị định 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là đề cập đến việc trợ giúp doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng mới chỉ dừng lại ở những quy định rất chung chung.

“Chính vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp không biết có quy định về hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ và nếu có thì cũng không biết được hỗ trợ như thế nào và làm thế nào để được hưởng hỗ trợ”, TS. Cảnh cho biết.

Theo đó, TS. Cảnh kiến nghị, cần quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là đối tượng được hưởng hỗ trợ của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ về việc cung cấp thông tin chính sách, thị trường, nguồn lực, bồi dưỡng doanh nhân nữ...

Đại diện cho doanh nhân nữ, bà Lê Thị Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại miền núi Thanh Hóa cho biết, việc trình độ của các nữ doanh nhân còn kém so với nam giới, chính vì vậy, cần thiết phải có chính sách đào tạo cho nữ doanh nhân, mà đặc biệt là các nữ doanh nhân miền núi và nông thôn.

Ở góc độ khác, bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gia Bảo chia sẻ, việc tiếp cận với các thông tin chính sách của hỗ trợ của Nhà nước đối với nữ doanh nhân rất hạn chế. Chính vì vậy, bà Hồng kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ nữ doanh nhân vấn đề này và quy định hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh làm cơ quan đầu mối giúp doanh nhân nữ tiếp cận dễ dàng hơn với các thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, bà Marika Vilisaar cho biết, các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến việc phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ bằng việc thi hành các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này.

“Có thể tham khảo cách hỗ trợ ở một số nước, như: Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phụ nữ miễn phí khi tìm tiểu về các quy trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ phụ nữ thiết lập mạng lưới kết nối của riêng mình qua 1 trang web chung. Hay như ở Hàn Quốc và Malaysia hỗ trợ các doanh nghiệp nữ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại...” bà Marika Vilisaar chia sẻ./.