Dệt may được xem là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Bởi, một khi TPP có hiệu lực, sẽ có khoảng 73% dòng thuế được giảm ngay lập tức và sang năm thứ 5 hoặc tối đa là năm thứ 16, toàn bộ các dòng thuế sẽ được giảm về 0%, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào thị trường TPP hiện nay chiếm tới 65% của dệt may cả nước (Năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD, trong đó Mỹ 11 tỷ USD, Nhật Bản 2,8 tỷ USD).

Tuy nhiên, cái khó hiện nay của ngành dệt may chính là việc đáp ứng các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể là một sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP, thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi, phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP, trong khi 70% nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập khẩu từ những nước chưa ký kết TPP (Trung Quốc…). Chính vì vậy, đây được cho là quy định “ngộp thở” đối với dệt may Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Song, bên cạnh các quy định nghiêm ngặt, thì vẫn còn những lối thoát để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng. Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP”, ngày 23/03/2016, ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, TPP quy định một số trường hợp có quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn. Đầu tiên phải kể đến là quy định về danh mục nguồn cung thiếu hụt, bao gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực TPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kết cấu của nguồn cung thiếu hụt này sâu hơn, để có thể điều chỉnh thêm thành phần vào sợi vải nhằm rơi vào danh mục nguồn cung này để hưởng lợi từ TPP.

Bên cạnh những quy định nghiêm ngặt thì vẫn còn những lối thoát cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng

Đối với riêng thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp nên tận dụng cơ chế “một đổi một” khi xuất khẩu quần nam nữ bằng vải bông sang nước này. Đây là cơ chế linh hoạt dành riêng cho Việt Nam, khi cho phép doanh nghiệp mua 1 đơn vị vải bông thích hợp làm quần có xuất xứ từ Hoa Kỳ sẽ được phép sử dụng một đơn vị vải bông nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP để may quần xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hưởng thuế từ 0%. Tỷ lệ quy đổi giữa vải bông xuất xứ Hoa Kỳ và vải bông được phép nhập khẩu ngoài khối TPP khác nhau giữa quần nam và quần nữ.

Tương tự, Việt Nam có 3 nhóm hàng được linh hoạt không áp dụng quy tắc từ sợi trở đi là: va li túi xách, ô dù; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em từ sợi tổng hợp. Các doanh nghiệp dệt may nên nghiên cứu 3 nhóm hàng này để tận dụng phát triển.

Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời, chỉ là lối nhỏ để các doanh nghiệp “lách” vào TPP. Do đó, muốn lối vào TPP rộng mở hơn, thì Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến những bước đi bền vững.

Theo ông Vũ Huy Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đam San, thực tế cho thấy, Việt Nam là 1 trong những nước đứng thứ 5 về thế giới về sản xuất sợi, song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đi nhập khẩu sợi của các nước khác, bởi công nghiệp tẩy nhuộm của chúng ta vô cùng yếu, đòi hỏi cao về máy móc và trình độ của người lao động. Theo đó, ông Đông cho rằng, để đáp ứng quy tắc “từ sợi trở đi”, chúng ta cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm và kết hợp giữa sợi và may.

“Đây là vấn đề khó giải quyết, do đó cần sự đồng lòng của cả Chính phủ và doanh nghiệp trong đầu tư và nghiên cứu chuyên sâu về dệt và sợi, bởi cứ đi nhập khẩu sẽ không mang nhiều giá trị gia tăng cho doanh nghiệp”, ông Đông nhấn mạnh./.