Chuyển sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp

Trong ngày làm việc thứ 2 (05/05) của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã dành gần một buổi sáng để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Chính phủ phải chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Trong buổi họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp từ môi trường tới thủ tục đầu tư.

Ông Dũng cho hay: “Mục tiêu quan trọng nhất trong lúc này, Thủ tướng khẳng định là tạo niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Khi có niềm tin tốt, sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tốt. Do vậy, Thủ tướng đặc biệt, quan tâm tới việc triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam”,

Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng, là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Vấn đề môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, các cam kết của các địa phương với VCCI, vấn đề tạo đất sạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ…

Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết sau khi được ban hành, tránh việc Nghị quyết ra nhưng có nơi triển khai quyết liệt, sáng tạo, trong khi nhiều nơi vẫn còn trì trệ.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh là các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như việc bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Phải trả lời đến nơi, đến chốn những kiến nghị của doanh nghiệp. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại có gây khó cho doanh nghiệp hay không? Đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp doanh nghiệp của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo động lực để tăng số lượng doanh nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2020 có một triệu doanh nghiệp

Trong thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động của việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Trong 4 tháng đầu năm có 34.721 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 248 nghìn tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 22,9% số vốn đăng ký tăng 52,8%). Chính phủ nhận định nếu làm tốt việc thi hành hai luật này, sẽ tháo gỡ rất nhiều rào cản, giấy phép con, tạo hành lang pháp lý, tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo thu hút vốn đầu tư.

Theo Dự thảo của Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 lả cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu lên một số nguyên tắc như tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Việc giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế… cũng được đề cập.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết đề cập đến nhiều giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải hằng quý đối thoại với doanh nghiệp. Các địa phương thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố. Thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt kiểm tra (không quá 2 lần/năm).

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, báo cáo Chính phủ trong quý IV/2016. Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết, cho rằng dự thảo đã đưa ra được các việc cần làm ngay để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đánh giá đây như một lời hiệu triệu, tạo niềm tin vào doanh nghiệp, lực lượng tiên phong phát triển kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương, ngay trong đầu tuần tới, VPCP phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện Nghị quyết, đặc biệt là tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, tập trung ra Nghị quyết để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, trăn trở của doanh nghiệp. /.