Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến an toàn con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh.

Việc xem xét, quyết định cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển hàng không nội địa và tạo môi trường bình đẳng, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Tháng 9/2015, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air.

Do chưa đáp ứng quy định về vốn góp và xác nhận vốn pháp định của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính, hướng dẫn Vietstar Air hoàn thiện Hồ sơ theo đúng quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng về việc này; Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều kiện vốn tối thiểu để Vietstar Airline được câp giấy phép là 700 tỷ đồng

Cụ thể, vào tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt.

Giải trình việc vốn chủ sở hữu của Viestar Airlines mới chỉ đạt 652,7 tỷ đồng, trong khi quy định vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không là 700 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty, thực tế nguồn vốn góp của chủ sở hữu đã đủ 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do công ty đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, toàn bộ hoạt động đầu tư được dùng từ nguồn vốn góp và chưa có doanh thu nên lợi nhuận chưa phân phối đang âm 47,3 tỷ đồng.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, doanh nghiệp còn 6 tháng để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép và bổ sung hồ sơ. Vì vậy, công ty đã cam kết sẽ bổ sung đủ số vốn theo quy định nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn giữa quan điểm cho rằng, hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định Viestar Airlines đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, điều kiện vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển trong trường hợp khai thác đến 10 tàu bay, và có khai thác vận chuyển quốc tế là 700 tỷ đồng.

Để xác nhận số vốn, Bộ này cho biết, cần “văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép”.

Với vốn góp bằng tài sản, bất động sản, việc xác nhận cũng cần văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền.

Trong khi đó, với trường hợp của Vietstar Airlines, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đơn vị này mới có xác nhận vốn của Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và chưa có văn bản xác nhận nào khác. Đây là vấn đề theo Bộ Tài chính là “chưa phù hợp với quy định” và chưa đủ cơ sở khẳng định công ty đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn./.