Ngày 10/5, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc VCCI tổ chức tọa đàm “Xây dựng mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Ngày mai xanh” do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam khởi xướng, nhằm mục tiêu chung tay tạo dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngày nay cả thế giới đều hướng tới sự phát triển bền vững. Điều này được thể hiện bằng việc 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu trong 15 năm tới từ tháng 09/2015.

“Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu này thì cần có sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, bởi muốn thế giới phát triển bền vững thì từng cá nhân doanh nghiệp phải phát triển bền vững”, TS. Khương khẳng định.

Cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu trên, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, doanh nghiệp không chỉ là động cơ tạo ra tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn tạo ra tiến bộ xã hội, đưa ra những công nghệ mới hướng tới sự phát triển bền vững.

“Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình SDG, từ đó thay đổi cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình để vừa tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội, lại vừa thân thiện với môi trường”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho biết, vai trò của các chính phủ trong việc tạo ra 1 môi trường, thể chế để doanh nghiệp đóng góp một cách tối đa cho việc phát triển bền vững là hết sức quan trọng.

“Bởi không thể có 1 doanh nghiệp bền vững trong một thế giới không bền vững và ngược lại không thể có 1 xã hội không bền vững nào mà nuôi dưỡng được 1 doanh nghiệp bền vững”, ông Vinh nhấn mạnh.

Nêu lên thực tế đáng buồn hiện nay, ông Vinh cho biết, khảo sát 34 quốc gia giàu nhất thế giới thông qua Bộ chỉ số phát triển bền vững cho thấy chưa có 1 quốc gia nào trên thế giới có cơ chế, chính sách hoàn thiện để triển khai tất cả 17 mục tiêu về phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đưa ra.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Trong 34 nước trên, ngay cả Thụy Điển là nước dẫn đầu, nhưng cũng chỉ được đánh giá có 7,86/10 điểm”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng không nằm ngoài xu hướng đó, ở Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chương trình để hướng nền kinh tế phát triển bền vững, như: Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh với 66 chương trình cụ thể... Tuy nhiên, các chương trình này vẫn chưa tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.

Do vậy, Chính phủ cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

“Khi doanh nghiệp đã có nhận thức, thì họ sẽ khởi sự kinh doanh với một tinh thần hết sức khoa học và nhân văn... Lúc đó lợi nhuận không chỉ là mục tiêu duy nhất, mà còn là tạo công ăn việc làm và tiến bộ xã hội”, ông Vinh cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Piet Hilarides, Giám đốc điều hành Công ty Friesland Campina khu vực châu Á cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong việc giúp doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Ông Piet Hilarides cho biết: “Chính phủ cần tạo ra các liên minh giữa doanh nghiệp với nhau, với các tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ, để các thành viên trong liên minh có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về việc xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững”.

Đối với doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh doanh bền vững của chính doanh nghiệp mình, ông Piet Hilarides đưa ra lời khuyên, đó là, doanh nghiệp phải vận dụng, tham khảo các mô hình kinh tế bền vững của các quốc gia trên thế giới. Sau đó, thúc đẩy mô hình này bằng cách chia sẻ tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của mình với xã hội, để từ đó, lấy được sự hưởng ứng của cộng đồng đối với doanh nghiệp./.