Ngày 31/05/2016, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình phổ biến kiến thức và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm.

Phát biểu tại Chương trình, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay, thiết kế có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, các ngành hàng của Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Chính vì vậy, khi đến các hội chợ, so với các sản phẩm của nước khác, thì các mặt hàng của nước ta yếu thế hơn hẳn.

Ông Đỗ Kim Lang phát biểu tại Chương trình

“Ở nước ta, chỉ duy nhất có ngành thủ công mỹ nghệ là có thiết kế nhanh, bám sát được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, còn lại hầu hết các ngành đều chủ yếu xuất khẩu trực tiếp cho người mua hàng”, ông Lang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Đào Duy Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cà phê Dakmark cho biết, thực tế, nông sản của Việt Nam rất ngon và có chất lượng cao, nhưng do chưa tự tin đưa sản phẩm ra thị trường và chưa chú trọng trong khâu bao bì, mẫu mã, cho nên sản phẩm của mình bán ra giá thấp hơn so với với các nước khác hoặc không được đưa vào hệ thống siêu thị của nước họ.

Ông Tùng ngậm ngùi: “Táo sấy Việt Nam bán được 3 USD/gói, trong khi của Philippines thì 30 USD/gói, chỉ bởi vì bao bì của họ đẹp hơn, còn chất lượng sản phẩm thì chưa chắc ai đã hơn ai”.

Chia sẻ về những khó khăn của công ty mình gặp phải khi thiết kế, ông Tùng cho biết, cái khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải là chuyện tiền bạc, mà đó là việc tìm được người thiết kế phù hợp, giỏi về chuyên môn và phải có kiến thức về thực tế.

Ông Tùng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp sẵn sàng trả thêm để thuê được một người thiết kế đáp ứng được yêu cầu trên, bởi nếu thiết kế đó không được thị trường chấp nhận thì chi phí bỏ ra còn lớn hơn nhiều”.

Trước thực trạng đó, ông Tùng kiến nghị cần phải có các biện pháp để thị trường thiết kế phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thuê nhà thiết kế chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, để có được một sản phẩm thiết kế tốt, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với thị trường, thì cần sự trao đổi cởi mở giữa doanh nghiệp và nhà thiết kế. Sắp tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp mặt giữa doanh nghiệp và nhà thiết kế hơn nữa để tăng cường sự kết nối giữa hai đối tượng này.

Nói về tính cấp thiết của việc thiết kế sản phẩm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE cho biết, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy lối mòn về thiết kế, đừng nghĩ việc đầu tư cho thiết kế là không cần thiết hoặc không quan trọng. Bởi, với những thiết kế tốt, doanh nghiệp có thể bán được nhiều hàng, kiếm thêm được nhiều tiền hoặc có thể tiết kiệm chi phí sản xuất.

“Tuy nhiên, khi công ty tự thiết kế hoặc thuê ngoài thì cũng cần trả lời được câu hỏi: Thiết kế này giải quyết được vấn đề kinh doanh gì của công ty?”, ông Sơn cho biết./.