Doanh nghiệp “tự cứu mình” bằng tín dụng đen

Thời gian qua, để “giải cứu” về vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có những nội dung về tiếp cận vốn. Điển hình như Quyết định số 601/QĐ-TTg, ngày 17/04/2013 thành lập Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, ngày 15/10/2013 ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “rất khó tiếp cận” nguồn vốn này do không có tài sản thế chấp.

Hiện có đến 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao

Nhận định về vấn đề này, trên báo điện tử VOV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mặc dù, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng cho vay tín chấp thay vì yêu cầu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo.

Song, để vay được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực tài chính, cũng như tính khả thi hiệu quả của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Nếu không khả thi, thì đương nhiên ngân hàng không thể rót vốn.

Về việc tiếp cận vốn qua quỹ bảo lãnh tín dụng cũng khó khăn. Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời được xem là cầu nối giữa ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay, nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi. Thế nhưng, vai trò cầu nối này đã không thể phát huy do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng không tin tưởng vào các quỹ bảo lãnh.

Còn đối với Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù được ký quyết định thành lập từ năm 2013, nhưng đến tháng 03/2016 mới chính thức đi vào hoạt động, nên chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.

Theo đó, vì khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, nên để giải “cơn khát vốn”, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tìm vốn thông qua việc huy động vốn từ bạn bè, gia đình, thậm chí là thị trường tín dụng đen. Cụ thể: Theo khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ công bố ngày 13/01/2016, hiện có đến 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 29/04/2016, Hội doanh nghiệp quận Hải An, TP. Hải Phòng cũng phản ánh: "Nếu như các doanh nghiệp lớn tìm cách xoay xở, vay được vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1%/tổng số vốn đầu tư thì những doanh nghiệp nhỏ phải xoay xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6%".

Việc vay vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất “cắt cổ” cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho không ít doanh nghiệp nhỏ rơi vào “bẫy phá sản”. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh Doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động của cả nước lên tới 36.626 doanh nghiệp, trong đó có 5.507 hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ.

“Giải cứu” về vốn cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành với một loạt những chỉ đạo “mở” trong việc cho vay, như: đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý… Điều này đồng nghĩa với cánh cửa vay vốn của doanh nghiệp cũng rộng mở hơn.

PGS, TS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đối với Việt Nam, đa số các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, việc tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển khối doanh nghiệp này là điều cần thiết. Ông Đức khuyến nghị, các ngân hàng thương mại nên có biện pháp để chấp hành tốt Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn vay được vốn thì phải chứng minh cho các ngân hàng thương mại thấy được rằng mình có khả năng và ý chí trả nợ cho ngân hàng (Cẩm Tú, 2016).

Cũng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, tại hội thảo "Mô hình và giải pháp phát triển Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh", ngày 10/03/2016, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín cho các quỹ bảo lãnh, các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là phải "cởi trói" cho các quỹ này khỏi những quy định khắt khe, cải thiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp hơn...

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong khi chờ ngân hàng có sự thay đổi trong cách đánh giá và thẩm định doanh nghiệp, TS. Cung cho rằng, Nhà nước nên thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm với chuẩn cho vay riêng để doanh nghiệp có cơ hội tham gia hoặc ngân hàng quốc doanh mua bảo hiểm các khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở các nước, quỹ tín dụng vi mô cho cá nhân không cần thế chấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu mô hình này nếu muốn thật sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Nguyên Anh, 2016).

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và đang lấy ý kiến góp ý. Trong đó, có những nội dung hỗ trợ tiếp cận tín dụng, như: Ngân hàng nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước... Đặc biệt, với các phương án kinh doanh khả thi doanh nghiệp cũng có cơ hội vay vốn ưu đãi tại Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, việc ra đời của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn./.

Tham khảo từ:

Cẩm Tú (2016). Khó tiếp cận vốn, doanh nghiệp tự cứu mình bằng tín dụng đen, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kho-tiep-can-von-doanh-nghiep-tu-cuu-bang-tin-dung-den-530265.vov

Cẩm Tú (2016). Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thao-go-kho-khan-ve-von-cho-doanh-nghiep-519512.vov

Nguyên Anh (2016). Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay, truy cập từ http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/doanh-nghiep/2016/06/81034B78/doanh-nghiep-nho-va-vua-van-kho-tiep-can-von-vay/