Bỏ ngỏ thị trường nội địa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại trên 160 thị trường trên khắp thế giới, trong đó có một số thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu, mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình. Chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm của các doanh nghiệp Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...

Trong khi, nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn để gia tăng doanh thu. Bởi, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ cũng phải đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu xuất khẩu, hiện doanh thu xuất khẩu gỗ đạt khoảng 7 tỷ USD năm 2015).

Giải thích nguyên nhân của thực trạng này, trên Thời báo Tài chính, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp bỏ ngỏ thị trường nội địa do cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Chỉ khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về doanh nghiệp Việt

Về khách quan, trong nhiều năm qua, các chính sách phát triển ngành gỗ chủ yếu mới chỉ tạo điều kiện, khuyến khích xuất khẩu. Các chính sách để đẩy mạnh phát triển tiêu thụ tại thị trường nội địa dường như chưa có nhiều. Ngoài ra, hệ thống phân phối mặt hàng gỗ tại Việt Nam quá nhỏ lẻ, manh mún rất khó cho doanh nghiệp sản xuất tiếp cận để mở rộng, phát triển tiêu thụ ở thị trường nội địa…

Về chủ quan, nhiều doanh nghiệp ngại sản xuất để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Bởi lẽ, với một đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần sản xuất theo mẫu thiết kế sẵn, giao hàng và thu tiền là xong. Trong khi, để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn từ khâu thiết kế, marketing, nghiên cứu thị trường, xây dựng hệ thống phân phối

Cũng nhận định về vấn đề trên, tại buổi khai mạc Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 9 - VIFA-EXPO 2016 diễn ra ngày 08/03/2016, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, có tới 93% doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 5,5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp lớn.

“Tỷ lệ áp đảo của những doanh nghiệp nhỏ và vừa - vừa thiếu, vừa yếu về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến họ chỉ muốn gia công xuất khẩu, chứ không muốn đầu tư cho thị trường trong nước”, ông Hạnh cho biết.

Khuyến khích doanh nghiệp gỗ tiếp cận thị trường nội địa

Để giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa thay vì chỉ hướng tới xuất khẩu như hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về chính sách phát triển thị trường nội địa các sản phẩm gỗ và lâm sản.

Chương trình hỗ trợ theo Dự thảo nghị định bao gồm: Hỗ trợ nghiên cứu phát triển thị trường trong nước; Hỗ trợ Phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ về hợp tác quốc tế trong phát triển thị trường nội địa; Hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ; Hỗ trợ phát triển các trung tâm triển lãm và giới thiệu sản phẩm, tạo ra một mạng lưới các trung tâm triển lãm, giới thiệu và bán sản phẩm một cách đồng bộ trong cả nước; Hỗ trợ xây dựng các chương trình phát triển gỗ và lâm sản; Hỗ trợ cung cấp thông tin; Khuyến khích mua sắm công, đầu tư đối với các sản phẩm gỗ và lâm sản được sản xuất trong nước.

Trong đó, tùy theo từng vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nhận được hỗ trợ 30%-80% kinh phí cho mỗi chương trình. Với việc phát triển kênh phân phối, doanh nghiệp có thể sẽ nhận được mức hỗ trợ cao nhất lên đến 80% kinh phí của mỗi chương trình.

Như vậy, với Dự thảo nghị định này, nhiều cơ sở sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ sẽ có nguồn kinh phí, cũng như có nhiều cơ hội để tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại các của các bộ, ngành có liên quan đến mặt hàng gỗ, từ đó đẩy nhanh quá trình tiếp cận thị trường nội địa.

Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì bản thân doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng cần phải có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Về vấn đề này ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, việc khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ gia tăng doanh thu, mà còn giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng lao đao khi xuất khẩu có rủi ro. Chính vì vậy, doanh nghiệp gỗ cần thiết phải nhanh chóng chinh phục thị trường nội địa bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lại khâu sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, làng nghề gỗ, bởi hiện tại mối liên kết này còn đang rất lỏng lẻo (Thiện Trần, 2016)./.

Tham khảo từ:

1. Thiện Trần (2016). Ngành gỗ thiếu chiến lược kinh doanh hướng nội, truy cập từ http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2016-07-21/nganh-go-thieu-chien-luoc-kinh-doanh-huong-noi-33776.aspx

2. Ban Cao (2016). Doanh nghiệp gỗ còn yếu về vốn và tiếp cận thị trường, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/143264/Doanh-nghiep-go-con-yeu-ve-von-va-tiep-can-thi-truong.html