Sáng ngày 15/09, tại Hà Nội, Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance phối hợp cùng Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand chính thức công bố Danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016. Đây là năm thứ 2 danh sách này được công bố tại Việt Nam, ghi nhận sự phát triển và tăng trưởng của các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Các thương hiệu được Brand Finance định giá dựa trên Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI), Tỷ lệ phí bản quyền thương hiệu, Dự báo doanh thu và Giá trị thương hiệu. Phương pháp định giá này đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá. Giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Do đó, có thể khẳng định chứng nhận của Brand Finance dành cho Top 50 thương hiệu mang nhiều giá trị thiết thực.

Theo báo cáo của Brand Finance, tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN vốn có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm. Điển hình như: Singapore có tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình của Top 50 thương hiệu mạnh nhất chỉ ở mức 1%; Mức độ tăng trưởng này ở Malaysia là -6%, và ở Indonesia là -10%.

Ông Samir Dixit phát biu ti L công b.

Góp mặt trong Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam phần lớn là những cái tên quen thuộc, như: Vinamilk, Viettel Telecom, Mobifone, Vinhomes, FPT, Bảo Việt… Trong đó, Top 5 thương hiệu gồm: Vinamilk, Viettel Telecom, PetroVietnam, Mobifone và Vinhomes chiếm gần một nửa (47%) tổng giá trị thương hiệu của toàn bộ các công ty trong Top 50.

Đáng lưu ý, dù giảm khoảng 11% so với năm ngoái, nhưng Vinamilk vẫn duy trì vị thế số 1 với giá trị thương hiệu trên 1 tỷ USD. Tiếp đến là Viettel có giá thương hiệu 973 triệu USD, PetroVietnam 564 triệu USD, Mobifone 539 triệu USD, Vinhomes 511 triệu USD...

Nhóm ngành ngân hàng, tài chính và viễn thông khá nổi bật trong bảng xếp hạng lần này. Ba ngân hàng là: VietinBank, Vietcombank và BIDV đều tăng hạng hay như Tập đoàn Bảo Việt có giá trị thương hiệu tăng khoảng 10 triệu USD so với năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, có 12 cái tên mới gia nhập danh sách này, đó là Vietnam Airlines, Sabeco, Ô tô Trường Hải, VinCommerce, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh… Trong đó, Sabeco vừa gia nhập Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết, năm 2016 ghi dấu những tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp Việt. Rất nhiều cú bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp Việt về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị vô hình nói chung đang ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ông Samir Dixit cũng cảnh báo: “Quý vị đừng ngủ quên trên chiến thắng, đừng quá tự tin vào kết quả này. Vì 12 thương hiệu nằm trong Top 50 năm ngoái đã bị thay thế bởi đối thủ. Các đối thủ rất mạnh và có thể khiến bạn rời khỏi bảng xếp hạng”.

Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand – Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam cũng chia sẻ, trước đây và cả hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu. Có lẽ vậy mà các doanh nghiệp đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, do giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ.

Theo đó, ông Lại Tiến Mạnh cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới quốc tế hoá ở tầm cao mới bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, như: TPP, AEC..., các doanh nghiệp trong nước cần thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho sự xâm nhập của các doanh nghiệp quốc tế, trong đó, thương hiệu cần là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị đó.

Ông Mạnh khẳng định: “thương hiệu là tài sản vô hình lớn nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh ngắn hạn mà là cả một sự đầu tư bền vững cho tương lai”./.