Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa chủ trì buổi làm việc, cho ý kiến về dự thảo báo cáo xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế quản lý hiện nay bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết và đã tỏ ra không phù hợp, không hiệu quả, không hiệu lực trong thực hiện quyền chủ sở hữu, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Nguyên nhân là do có quá nhiều đầu mối, nên rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, “thua lỗ hiển hiện, trách nhiệm ẩn mình”. Thực tế, hiện nay, quản lý DNNN liên quan đến rất nhiều cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý về khía cạnh đầu tư, Bộ Tư pháp, Chính phủ bổ nhiệm lãnh đạo, Bộ Tài chính quản lý thuế, Bộ Công Thương quản lý các DNNN thuộc lĩnh vực và điều tiết thị trường…

Với cách quản lý như hiện tại, doanh nghiệp phải báo cáo về nhân sự với Bộ Nội vụ, về tiền lương với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, về chuyên môn với Bộ chủ quản, về tài chính với Bộ Tài chính, về chiến lược kế hoạch phát triển với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với cách quản lý vừa manh mún, vừa phân mảnh, lại có quá nhiều lỗ hổng quản lý như vậy, thì các DNNN một mặt, trong tình trạng “một cổ năm, sáu tròng”; mặt khác, Nhà nước cũng loay hoay không biết quản lý như thế nào cho phù hợp, vì việc phối – kết hợp giữa các bộ hiện nay quá nan giải, cho dù đều là thành viên của Chính phủ.

Bên cạnh đó, do có quá nhiều đầu mối, nên không có cơ sở dữ liệu thống nhất và toàn diện về từng doanh nghiệp, từng tài sản và tổng tài sản nhà nước, không đánh giá được chính xác, kịp thời hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước; đồng thời, không có ai chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, trước Quốc hội và Nhân dân.

Thực trạng đó đã tạo ra nhiều kẽ hở và nhất là tình trạng vô trách nhiệm trong quản lý và sử dụng tài sản; dẫn đến lạm dụng để tư lợi, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm diễn ra phổ biến.

Cùng với đó là sự can thiệp quá sâu vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bằng các mệnh lệnh hành chính. Các bộ hiện đang thực hiện chức năng chủ sở hữu bằng tư duy hành chính, công cụ và quy trình hành chính... hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu đầu tư kinh doanh, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước theo hướng có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.

Hơn nữa, việc các bộ vừa quản lý nhà nước, vừa làm chủ sở hữu sẽ tạo ra xung đột lợi ích giữa các chức năng của các bộ, tạo thị trường cạnh tranh không bình đẳng, không công bằng.

Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác..., nhất là trong việc tiếp cận các nguồn lực để sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ này đã 4 lần xây dựng báo cáo và Đề án liên quan tới việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp kể từ năm 2011, tổ chức hội thảo, tọa đàm nhiều lần và đã nhận được văn bản góp ý cho Đề án của các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính…

Cho ý kiến về dự thảo báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng một Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN phải quán triệt được chủ trương đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là: “Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của DN nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đầu tư vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”.

Đồng thời, việc xây dựng Đề án cần tuân thủ, cụ thể hóa chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và pháp luật, chính sách có liên quan.

Theo đó, Cơ quan này sẽ thực hiện tập trung chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN thay vì phân tán ở các Bộ như hiện nay, đồng thời tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ tại DN.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ hơn việc thành lập Cơ quan này sẽ không làm giảm nhẹ, mà còn tạo điều kiện để các bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào DN (bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển DN theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển ngành; xây dựng, lưu giữ các thông tin cơ bản về DN thuộc các lĩnh vực; ban hành danh mục, phương thức quản lý tài chính, chính sách ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ công ích và giám sát, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm).

Để nhìn nhận rõ hơn về sự cần thiết thành lập Cơ quan này, Phó Thủ tướng cho rằng cơ quan soạn thảo Đề án cần có đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN, thực trạng hoạt động đổi mới, sắp xếp DNNN cho tới hiện nay và dự báo tình hình tái cơ cấu DNNN sau năm 2020 khi mà DNNN được xác định sẽ tập trung hoạt động ở các lĩnh vực then chốt, có sức ảnh hưởng tới các thành phần DN khác; nêu rõ thông lệ của quốc tế về các mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tính toán, cân nhắc các phương án nâng cấp Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc thành lập một số tổng công ty như SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN như ý kiến đề xuất của một số cơ quan, chuyên gia kinh tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các nội dung của Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN để quy định cụ thể hơn nữa vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trong tham mưu cho Chính phủ (Điều 40), Thủ tướng Chính phủ (Điều 41) thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, các quyền trực tiếp của cơ quan này (tại các Điều 42, 43) và các nội dung khác có liên quan mà Luật quy định.

Đối với phương án tổ chức bộ máy và tuyển dụng nhân sự, Phó Thủ tướng cho rằng, cơ quan này tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các Bộ, thì việc tổ chức, sắp xếp cán bộ trên cơ sở điều chuyển cán bộ làm nhiệm vụ này từ các bộ, ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, SCIC về cơ quan này, tăng cường cán bộ có kinh nghiệm làm nòng cốt, tuyển dụng mới nhân sự, nhưng phải bảo đảm tinh gọn, chất lượng và hiệu quả, không làm tăng thêm biên chế về tổng thể, theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở dự thảo Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các văn bản pháp luật liên quan, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước và vốn nhà nước tại DN.

Dự kiến, dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, cho ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện./.