Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/09, tổng lượng than nhập khẩu đạt hơn 10 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Như vậy, nhập khẩu than hiện đã vượt kế hoạch tới 7 triệu tấn so mốc dự báo 3,1 triệu tấn do Bộ Công Thương đưa ra đầu năm 2016.

Lý giải về lượng nhập khẩu tăng đột biến này, tại Tọa đàm “Nhập khẩu than và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 24/10, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương, cho biết là do nguồn than trong nước không đáp ứng nhu cầu và giá than khai thác trong nước đắt hơn nhập khẩu do chi phí khai thác và thuế tài nguyên môi trường tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu than 3 triệu tấn trong dự báo từ đầu năm của Bộ Công Thương chưa tính đến các nhà máy nhiệt điện BOT, các hộ khác như sản xuất xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, từ nay đến cuối năm, việc nhập khẩu than có thể chững lại, bởi giá than trên thị trường thế giới đang trên đà tăng trở lại và tiệm cận dần với giá sản xuất than trong nước. Về lâu dài, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Thọ cho rằng, nếu ta nhập khẩu được than giá rẻ là đã tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho đất nước. Trên cơ sở cân đối cung cầu thì những năm tới ta sẽ phải nhập khẩu than cho nhiệt điện cũng như các hộ tiêu thụ với khối lượng không nhỏ. Đơn cử, năm 2017 dự kiến phải nhập khẩu 4 triệu tấn than cho nhiệt điện và đến năm 2030 sẽ là 7 triệu tấn. “Ngành than vừa phải đối diện với thách thức này vừa phải bảo đảm thực hiện như trong quy hoạch điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.”- ông Thọ nhấn mạnh.

Nhu cầu than cho ngành điện ngày càng tăng cao. Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết từ nay đến năm 2020, có 2 cụm nhà máy nhiệt điện sử dụng than Antraxit là cụm Nhiệt điện Thái Bình và Nhiệt điện Vĩnh Tân I, mỗi cụm sử dụng khoảng 4,5 triệu tấn than. Như vậy, đến năm 2020, sản lượng của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng phải tăng thêm 9 triệu tấn mới đủ đáp ứng cho 2 nhà máy này. Hiện, Tập đoàn đang xây dựng thêm mỏ mới để đáp ứng đủ than cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước mắt, giá than nhập thấp hơn giá bán trong nước, nên các nhà máy điện, xi măng giảm lượng mua từ Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam nên lượng tồn kho tăng, ngành than đang đứng trước nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, toàn ngành than đang tồn kho khoảng 12 triệu tấn, cao hơn mức than tồn kho định mức gần 4 triệu tấn. Dự kiến cả năm nay sản lượng than giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2015.

Trước thực trạng này, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét giảm thuế phí, giúp giải quyết tồn kho, hoạt động có lãi để tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cao năng suất lao động.

Ông Nguyễn Văn Biên nhấn mạnh: “6 tháng 2016 giá than thấp xuống đáy, lượng than nhập về tăng rất nhanh. Đặc biệt than cho các hộ xi măng, điện gấp đôi so với cùng kỳ. Than trong nước thị trường khó khăn, cắt giảm sản lượng. Trong bối cảnh này, nhiều nước có các chính sách hỗ trợ điều chỉnh giảm thuế, để tăng khả năng cạnh tranh, khuyến khích đẩy than ra nước ngoài.”

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu và thực tế, giải pháp giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, xem xét sửa đổi thuế suất thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức thuế suất tài nguyên cũng vừa mới ban hành nên cần có thời gian để tổng kết đánh giá. Do đó, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xem xét tăng kế hoạch xuất khẩu cho giai đoạn năm 2017-2020 lên 3-4 triệu tấn/năm. Đây là giải pháp có tính khả thi hơn vì vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng./.