Chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, như: Chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, gắn với tiêu thụ nông sản; chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao và các quy định về đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp, nông thôn.

Chính vì vậy, gần đây, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng lên đáng kể, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3.640 doanh nghiệp năm 2015, 9 tháng đầu năm 2016 có khoảng 4.080 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, với nhiều lợi thế, như: có 16 triệu ha rừng, bờ biển dài hơn 3.260 km, có 10 triệu ha đất canh tác màu mỡ và khí hậu đa dạng… thì con số này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo thống kê, số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính cũng chỉ khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Các doanh nghiệp hiện nay vẫn kém "mặn mà" với việc kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp có rủi ro lớn, lợi nhuận ít, nhưng chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp lại giống với các doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành siêu lợi nhuận khác. Thêm vào đó, thủ tục hành chính phức tạp, cùng với tần suất thanh tra kiểm tra dày đặc của các cơ quan nhà nước cũng là những rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

“Hôm nay thanh tra thuế, hôm sau đất, hôm sau nữa bảo hiểm, quản lý chất lượng nông sản… thủ tục chồng chéo, khiến doanh nghiệp chóng mặt”, ông Báo dẫn chứng.

Một nguyên nhân khác được bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Truemilk đưa ra, đó là các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp mặc dù có, nhưng lại khó tiếp cận.

So sánh tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi của nước mình với nước khác, bà Hương cho biết, khi đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Nga, TH Truemilk đã nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ nước này, như: với sản phẩm sữa loại đặc biệt, doanh nghiệp được giảm thuế 3 rúp, với sữa loại 2 được giảm 2 rúp. Với một số loại máy móc nhập khẩu công nghệ cao, Chính phủ Nga cũng giảm thuế đến 50%. Từ đầu năm đến nay, TH đầu tư 100 triệu USD vào thị trường Nga thì đến giờ đã được trả lại 25 triệu USD các khoản ưu đãi.

Trong khi đó, ở trong nước, mặc dù bỏ rất nhiều vốn đầu tư vào các trang trại bò sữa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhất khu vực, song đến nay, bà vẫn chưa hề được nhận một đồng vốn ưu đãi nào từ Chính phủ trong nước.

“Chúng tôi được khen ngợi nhiều, nhưng chính sách ưu đãi chưa hề được hưởng”, Chủ tịch TH Truemilk bà Hương nói.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARP) cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7% (chủ yếu qua khuyến nông, giảm một số loại phí), trong khi một số nước khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, mức hỗ trợ lên tới 55-60%.

Ông Tuấn cũng đưa ra số liệu khảo sát về khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp, đó là về đất đai có đến 63% doanh nghiệp kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác, như: bảo hiểm cũng có đến 82,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận được; Khoa học công nghệ, thì có 77% doanh nghiệp kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.

Giải thích kỹ hơn về khó khăn trong đất đai, đại diện Tập đoàn GFS, ông Nguyễn Thành Công cho biết: “Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ đất ruộng đất rất khó. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn đã được thực hiện, nhưng hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm, do đó chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện”.

Gỡ nút thắt: Thế nào?

Để nông nghiệp Việt Nam “cất cánh”, các đại biểu có mặt tại diễn đàn cho rằng, cơ quan nhà nước cần phải tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp nông nghiệp.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng các kết cấu hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, như: thể chế, chính sách, giáo dục đào tạo, nghiên cứu… nhằm tăng cường sự liên kết giữa sản phẩm nông nghiệp, công tác tín dụng và hoạt động logistics đảm bảo sức cạnh tranh của các ngành nông nghiệp cốt lõi.

Còn theo ông Báo, lợi thế nhất của Việt Nam là nông nghiệp, do vậy ông Báo đề xuất, các chính sách cho nền kinh tế, nên đi theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu của Nhà nước nhằm tạo thành mối liên kết bổ sung, hỗ trợ nhau.

Ở khía cạnh đơn vị đang chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Tập đoàn GFS đề nghị, Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất.

Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại… không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực.

Đại diện GFS cũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp thống nhất ở tầm quốc gia sẵn sàng cung cấp các thông tin hỗ trợ để những nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp mới chân ướt, chân ráo vào thực hiện các dự án nông nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng.

Trước kiến nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và cho biết sẽ làm việc cụ thể với các bộ, ngành liên quan về những đề xuất này./.