Lạc quan về lợi nhuận

Kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2017 đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016.

Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm tới, 76% doanh nghiệp phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và chỉ có 5% phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.

76% doanh nghiệp lớn cho biết, sẽ tăng quy mô kinh doanh năm 2017

Còn đánh giá của các doanh nghiệp lớn về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, phần lớn doanh nghiệp có nhận định tình hình sản xuất kinh doanh đều tăng lên về mọi mặt, tuy nhiên 16% doanh nghiệp cũng đã có phản hồi doanh thu giảm và 15% doanh nghiệp đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua.

Theo Vietnam Report, năm 2016 cũng được đánh giá là một năm các doanh nghiệp phải đối diện với nhiều rào cản đến từ thách thức tăng trưởng nền kinh tế và biến động kinh tế, chính trị trên thế giới. Số lượng lao động trong doanh nghiệp hiện tại cũng được số đông doanh nghiệp nhận định là cơ bản ổn định với 47% doanh nghiệp phản hồi. Trong Quý I năm 2017, 60% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên số lượng lao động trong tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáp nhập và liên doanh sẽ gia tăng

Vietnam Report nhận định rằng, xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới là hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác, vì vậy đã có nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập.

Các thương vụ M&A (sáp nhập) và JV(liên doanh) đang dần trở thành các phương thức mà doanh nghiệp tìm kiếm để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Gần 25% doanh nghiệp phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% doanh nghiệp trả lời đã tìm kiếm, và thăm dò về các thương vụ này.

Hoạt động M&A đang trở thành kênh huy động vốn tốt, một hình thức đầu tư hiệu quả và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có ý định thực hiện kênh huy động vốn này còn băn khoăn trong quá trình thực hiện và rào cản lớn nhất ở vấn đề này, theo các doanh nghiệp đánh giá, là gặp khó khăn trong việc thu thập được các nguồn thông tin đáng tin cậy về các đối tượng mục tiêu mua - bán. Tiếp đó là các khó khăn như thiếu đi các đối tượng mục tiêu hấp dẫn với tỉ lệ phản hồi là 24% doanh nghiệp và việc đáp ứng các chính sách, quy định liên quan đến mảng lĩnh vực này với tỉ lệ 19%.

Gần 60% doanh nghiệp tự tin mình có thế mạnh

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, khu vực và sẽ tiếp tục ký kết thêm nhiều các FTA trong thời gian tới. Để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập, câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp lớn Việt đã đủ nội lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hay chưa?

Trong khảo sát các doanh nghiệp VNR500, khi đánh giá thế mạnh và bất lợi của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, phản hồi chủ yếu của các doanh nghiệp trên các mặt mới chỉ ở mức bình thường đến mạnh, gần 60% doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp mình ở mức mạnh và rất mạnh trong kỹ năng quản trị và nguồn cung ổn định.

Tuy vậy, chỉ có 25% đánh giá chất lượng hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp ở mức mạnh và 9% cho rằng rất mạnh; bên cạnh có đến 12% doanh nghiệp nhận định hoạt động marketing doanh nghiệp còn ở mức yếu.

“Từ đây, cho thấy vấn đề ưu tiên đối với các doanh nghiệp lớn là phải đẩy mạnh thương hiệu Việt và nâng cao năng suất chất lượng nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu”-Vietnam Report đánh giá./.