Doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng

Tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 đang được lấy ý kiến góp ý từ ngày 22/11/2016-22/01/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tăng giờ làm thêm: (1) Người lao động có thể làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ, nhưng số giờ làm thêm không quá 600 giờ/năm; (2) Người lao động có thể làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Các phương án này thay cho quy định hiện hành là số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.

Đề xuất này đang nhận được nhiều sự đồng tình của nhiều chủ doanh nghiệp. Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF) ngày 05/12, các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn được Chính phủ Việt Nam cho phép tăng giờ làm thêm. Theo ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng, quy định hiện hành khiến các doanh nghiệp khó đáp ứng đơn hàng sản xuất hoặc tiến độ do người mua đề ra. Hệ quả, hoạt động kinh doanh ảnh hưởng, doanh nghiệp phải tăng ca sản xuất trong những thời kỳ cao điểm, làm tăng chi phí lao động. Đôi khi, họ còn phải giảm giá sản phẩm cho người mua theo yêu cầu.

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, mà ngay cả doanh nghiệp trong nước cũng đồng tình với các phương án tăng thêm giờ làm thêm, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, như: da giày, may mặc...


63,2% người lao động mong muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống

Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Lê Hùng, Tổng Giám đốc Công ty May Minh Trí cũng cho rằng, mức làm thêm giờ hiện tại là hơi eo hẹp nên phương án đề xuất tăng giờ làm thêm là hợp lý và sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Đối với doanh nghiệp may, giờ làm thêm khi nào cũng cần. Công nhân nhiều lúc muốn làm thêm để tăng thu nhập nhưng luật lại không cho phép”, ông Hùng cho hay.

Vấn đề này cũng người lao động ủng hộ. Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố vào tháng 07/2016 cho thấy, có tới 62,3% số người lao động mong muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngoài những lợi ích trên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc tăng giờ làm thêm còn làm tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Bởi, trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khu vực, thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonexia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thailan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế).

Vẫn cần cân nhắc để hài hòa các lợi ích

Mặc dù nhận được nhiều ý kiến đồng tình của doanh nghiệp và người lao động, nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều. Bởi, những lo ngại về việc, nếu tăng giờ làm thêm, thì doanh nghiệp sẽ có tâm lý không chịu tuyển dụng lao động mới mà ép người lao động tăng ca tối đa. Thêm vào đó là những lo ngại về sức khỏe của người lao động...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, thời giờ làm thêm phải tính toán làm sao để đảm bảo sức khỏe cho người lao động bởi tố chất thể lực của người Việt không cao, bữa ăn cho người lao động còn khá khiêm tốn (D. Ngân, 2016).

"Nếu phải làm thêm quá nhiều cộng với những vấn đề về dinh dưỡng, môi trường nêu trên, rất có thể sức khỏe lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ suy kiệt. Vì thế phải cân nhắc, cân đối để đưa ra mức nào đó để vừa giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp nhưng vừa đảm bảo được quyền lợi cũng như sức khỏe của lao động”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về đề xuất tăng giờ làm thêm, chị Nguyễn Thị Oanh, người lao động tại Công ty Honda Lock, Khu Công nghiệp Đồng Văn cho biết, tăng giờ làm thêm là một biện pháp giúp người lao động tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc tăng giờ này phải xem xét đến việc tăng thêm tiền lương cho người lao động. Bởi, nếu “tiền tăng thêm chẳng được là bao, thì người lao động nghỉ ở nhà cho khỏe”.

Để giải quyết những khó khăn thực tế của một số doanh nghiệp khi có những đơn hàng đột xuất (chủ yếu là ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản), trao đổi với báo Lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng liên đoàn là đồng ý bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, để giúp những doanh nghiệp làm theo mùa vụ có thể giải quyết được những đơn hàng cần làm trong một vài tháng.

Bên cạnh đó, đồng ý tăng giờ làm thêm từ mức 200 giờ lên 300 giờ/năm, trường hợp đặc biệt mới được tăng lên 400 giờ/năm, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng về trường hợp đặc biệt.

Ngoài ra, nếu tăng giờ làm thì phải tính tiền lương cho người lao động theo phương pháp lũy tiến. Cụ thể: Làm thêm giờ theo quy định hiện hành đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ từ 200-300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%.... để doanh nghiệp bố trí kế hoạch, thực sự cần thiết mới tăng giờ làm thêm./.

Dự kiến, tháng 01/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012, trình cho cơ quan thẩm tra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 03/2017 và đến tháng 04/2017 sẽ chính thức trình ra Quốc hội.

Tham khảo từ các nguồn:

D. Ngân (2016). Đề xuất tăng thời gian làm việc thêm giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/De-xuat-tang-thoi-gian-lam-them-gio-Van-nhieu-tranh-cai.aspx

Nguyễn Lê (2016). Tăng giờ làm thêm gấp 3 lần: Làm chính đã nhiều, sức đâu làm thêm, truy cập từ http://infonet.vn/tang-gio-lam-them-gap-3-lan-lam-chinh-da-nhieu-suc-dau-lam-them-post216358.info

Xuân Trường (2016). Tăng giờ làm thêm: cả hai phương án đều khó chấp nhận, truy cập từ http://laodong.com.vn/cong-doan/tang-gio-lam-them-ca-hai-phuong-an-deu-kho-chap-nhan-619858.bld