Ngày 27/12/2016, VCCI tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”.

Còn manh mún, nhỏ lẻ

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay càng ngày càng có nhiều “đại gia” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí có nhiều sinh viên vừa ra trường, không muốn làm ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn mà muốn về quê để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, như: trồng rau, nuôi lợn…

“Sự thay đổi nhận thức, suy nghĩ cũng như cách làm của giới trẻ là tín hiệu đáng mừng cho đất nước. Bởi, nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp”, TS. Lộc nhấn mạnh.

Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng Phòng Công tác chính trị và sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù có nhiều quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ở Việt Nam hiện nay, khởi nghiệp trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đủ sức phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái.

“Sau 4 năm triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tôi nhận thấy, hiện mới chỉ có 5 đề án về nông nghiệp tham dự thành công trong việc thành lập doanh nghiệp. Còn lại, rất nhiều đề án khác đang loay hoay kêu gọi vốn, hoặc loay hoay xin thủ tục…”.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, điểm yếu của các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong nông nghiệp nói riêng đó là còn thiếu thông tin, chưa có sự gắn kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp.

Trong khi đó, các chính sách đặc thù cho khởi nghiệp về đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế thoái vốn của nhà đầu tư còn chưa có.

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một số chính sách về đất đai, thuế, về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế, chậm sửa đổi so với thực tiễn.

“Đặc biệt, tính ổn định của quy hoạch trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa bền vững, việc quản lý thực hiện quy hoạch chưa chặt chẽ, thiếu chế tài. Công tác cải cách hành chính và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn diễn ra chậm và hiệu quả chưa cao”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chính sách cần thiết thực hơn

Theo TS. Lộc, khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong nông nghiệp nói riêng chỉ có thể thành công, nếu được Nhà nước ủng hộ bằng cách thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích sự mạo hiểm và chấp nhận mạo hiểm.

TS. Lộc cho biết, để thúc đẩy khởi nghiệp, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiếp cận được thị trường; Cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao; Có một cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); Xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.

Từ thực tiễn triển khai trong nước, ông Vũ Ngọc Huyên kiến nghị rằng, xây dựng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần thiết thực hơn, bởi “xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không còn là đẩy mạnh việc đưa chính sách vào cuộc sống, mà là đưa cuộc sống vào chính sách”.

Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đang nung nấu ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Loreen Weintraub, Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn ORCA cho biết, các bạn trẻ có thể bắt đầu từ sự nghiệp nhỏ, nhưng phải có suy nghĩ lớn ra toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần phải có sự hợp tác và trao đổi thường xuyên giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng để tăng cường liên kết chuỗi.

Dựa trên kinh nghiệm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của mình, ông Bùi Khắc Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đó là, phải có sự khao khát và mong muốn dẫn đầu.

Bên cạnh đó, ông Hiền cũng cho rằng, phải tìm lối đi riêng cho sản phẩm của mình. “Nếu không có sự nghiên cứu thêm về đặc thù của Việt Nam, mà áp dụng nguyên các công nghệ, kỹ thuật, giống của nước khác vào sản xuất, thì có thành công, bạn cũng chỉ là người đứng thứ 2”./.