Cụ thể, nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Trước đó, theo phương án cũ, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% vốn điều lệ thì việc cổ phần hóa Vinafood 2.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8115/VPCP-ĐMDN, ngày 27/9/2016 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định lại giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và xử lý tài chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất, xử lý các vướng mắc trước khi cổ phần hóa Tổng công ty; lập phương án cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 khá bết bát. Theo báo cáo tài chính năm 2014, công ty mẹ Vinafood 2 lỗ 873 tỷ đồng. Không những vậy, trong số 43 công ty con, liên kết, đơn vị trực thuộc của Vinafood 2 thì có tới 26 đơn vị trong tình trạng thua lỗ. Một số công ty lỗ lớn như Công ty TNHH Lương thực TP.HCM (lỗ 71 tỷ đồng), Công ty NSTP Trà Vinh (lỗ 115 tỷ đồng), Công ty Lương Thực Vĩnh Long (lỗ 144 tỷ đồng), Văn phòng Tổng công ty lỗ 334 tỷ đồng….

Báo cáo của ủy ban giám sát tài chính mới đây cho biết, mặc dù Vinafood 2 đã có lãi 155 tỷ đồng trong năm 2015, nhưng số lỗ lũy kế hiện vẫn lên tới 948 tỷ đồng./.