Những con số ấn tượng

Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân đạt 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới (Biểu đồ 1).

Các doanh nghiệp thành lập mới đã đăng ký tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Lĩnh vực kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ 2015 là Kinh doanh bất động sản (tăng 83,9%), Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 52%), Giáo dục đào tạo (tăng 43,1%). TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục là những thành phố năng động, tập trung cơ hội đầu tư kinh doanh của các nước với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 36.442 và 22.663 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 53,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước. Tiếp theo là các địa phương, như: Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Khánh Hòa có tỷ lệ thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ.

Điểm sáng của bức tranh doanh nghiệp năm 2016, không chỉ ở con số kỷ lục về doanh nghiệp thành lập mới, mà còn ở số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là số doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh trước đây, nay quay trở lại hoạt động. Con số này là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy một số lượng tương đối lớn doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường. Cụ thể, trong năm 2016 là 26.689 doanh nghiệp, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2015. Phân theo vùng lãnh thổ, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở hầu hết các vùng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể: khu vực Tây Nguyên có 817 doanh nghiệp, tăng 34,4%; tiếp đó là vùng Đông Nam Bộ có 11.320 doanh nghiệp, tăng 29,4%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 3.780 doanh nghiệp, tăng 26,7%; Đồng bằng sông Hồng có 7.251 doanh nghiệp, tăng 21,7% và Đồng bằng sông Cửu Long có 2.434 doanh nghiệp, tăng 16,7%; duy nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 1.087 doanh nghiệp, giảm 3,0% (Biểu đồ 2).

Cũng trong năm 2016, nhờ những quyết tâm trong việc đẩy mạnh triển khai phương thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, mà tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến của cả nước gia tăng đáng kể. Trong năm 2016, tỷ lệ này đạt 14%, riêng quý IV/2016 đạt 35,26%, vượt yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Dự kiến năm 2017, tỷ lệ này trên cả nước sẽ đạt 30%, là con số hết sức khích lệ, thể hiện nỗ lực cao của cơ quan đăng ký kinh doanh. Tại Hà Nội, tỷ lệ trong cả năm 2016 là 18%, riêng trong quý IV/2016 là 51,15%. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đạt 25,37% trong cả năm 2016 và đạt 62,06% trong quý IV/2016. Cùng với Huế, Đà Nẵng, đây là các địa phương đi đầu trong việc đổi mới phương thức hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến.

Như vậy, với những con số “ấn tượng” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp, cùng với số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.

Nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Có khá nhiều điểm sáng được cho là bệ đỡ cho kỷ lục trên trong đăng ký kinh doanh.

Một là, động lực từ các quy định pháp lý, cơ chế chính sách giải phóng quyền tự do kinh doanh. Năm 2016 là năm thứ hai triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014. Với những tư tưởng cải cách sâu rộng, hai luật này đã tạo ra luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm, đồng thời, nâng cao quyền tự chủ, tự quyết định của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thì trong Luật Đầu tư năm 2014, lần đầu tiên đã làm sáng tỏ, rạch ròi những mảng nào là cấm, mảng nào là hạn chế và mảng nào là tự do kinh doanh, đồng thời, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý. Nói cách khác, chính sự chuẩn hóa lần đầu tiên của hệ thống quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hơn 6.000 giấy phép con, ban hành Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với việc loại bỏ 20 ngành, nghề kinh doanh, cũng như thông điệp “không hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm... của Chính phủ đã có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tạo ra một làn sóng kinh doanh mới.

Hai là, động lực từ việc giảm chi phí tối đa trong gia nhập thị trường. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2016 về Chính phủ điện tử, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh tiếp tục triển khai dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử với hơn 100 quy trình được triển khai từ cấp độ 03 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 04, đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/). Với sự nỗ lực đó, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước được rút xuống chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày, đảm bảo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.

Ba là, tư duy phục vụ đang dần thay thế tư duy quản lý hành chính trong các cơ quan đăng ký kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ mới đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Đây cũng là tư tưởng quan trọng để các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện những cải thiện chất lượng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thay đổi tư duy từ “quản lý” sang phục vụ... Riêng đối với ngành đăng ký kinh doanh, thái độ phục vụ của các cán bộ trong Ngành đã có những tiến bộ rõ rệt. Tại một số địa phương đã áp dụng những sáng kiến tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Ví dụ: Ở Phòng Đăng ký kinh doanh TP. Hà Nội đã thành lập bộ phận hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, người dân đến làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn tận tình; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An có sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh thông qua việc triển khai đăng ký mở tài khoản ngân hàng, đăng ký bảo hiểm cho doanh nghiệp cùng với thời điểm đăng ký kinh doanh, phát động cán bộ làm việc theo nguyên tắc “Hết việc chứ không hết giờ”; Ở tỉnh Hà Tĩnh, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới được thực hiện chỉ trong 01 ngày, ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ toàn bộ các loại phí đăng ký doanh nghiệp; Hải Dương triển khai phổ biến khung khổ pháp lý mới trên tất cả các kênh thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức và hiệu quả áp dụng.

Bốn là, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước được cải thiện rõ rệt. Trong năm 2016, hàng loạt các chính sách phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành được ban hành, như: Thông tư số 127/2015/TT-BTC, ngày 21/08/2015 về việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, ngày 23/02/2016 về việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế; Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT, ngày 05/04/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hay Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKH-BTC-BNV, ngày 28/05/2015 về Quy chế phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập... Kết quả triển khai tích cực của các chính sách này đã khẳng định, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương xuống địa phương trong quản lý doanh nghiệp trước và sau đăng ký kinh doanh được tăng cường. Việc áp dụng quy định tại các thông tư liên tịch đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trước và sau đăng ký thành lập, từ đó, góp phần cải thiện và đảm bảo tính an toàn của môi trường kinh doanh.

Một số điểm lưu ý

Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp năm 2016, thì cũng nhận thấy một số bất cập, đó là: số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm 2015 (12.373 doanh nghiệp giải thể, tăng 30,7%; 19.995 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,8%). Trong đó, hầu hết các ngành đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 505 doanh nghiệp, tăng 107,1%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 63 doanh nghiệp, tăng 90,9%; Kinh doanh bất động sản có 195 doanh nghiệp, tăng 69,6%; Khai khoáng có 176 doanh nghiệp, tăng 61,5%... Duy nhất có ngành Thông tin và truyền thông có 394 doanh nghiệp giải thể giảm 12,8%.

Điều này cho thấy, bên cạnh các điều kiện thuận lợi của khung khổ chính sách mới và những cơ hội mở ra trong thời kỳ đất nước hội nhập, thì những hạn chế cố hữu chưa được giải quyết triệt để, như: vay vốn, lãi suất, nhân lực, chi phí không chính thức... vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời cũng khẳng định, chỉ riêng nỗ lực của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường thôi, thì chưa đủ, mà còn cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương trong việc cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh.

Theo đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt sau đăng ký kinh doanh, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ.

Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng phải có trách nhiệm phối hợp, thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, các bộ chuyên ngành phải tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định về điều kiện kinh doanh; đề xuất sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014; bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh ban hành trái thẩm quyền; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tuyên truyền, quán triệt các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước được giao. Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính...) nhằm chia sẻ thông tin doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường.

Thứ ba, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ công chức, viên chức địa phương để đảm bảo thực hiện nhất quán các quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ công chức, viên chức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công./.

TS. Trần Thị Hồng Minh
Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư