Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 và năm 2016, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đạt được kết quả vượt kế hoạch, cơ bản vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cổ phần hóa 12 tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ; cổ phần hóa 3/13 doanh nghiệp khoa học công nghệ thuộc các viện, trường. Đồng thời Bộ đang cổ phần hóa 3 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty vật tư nông nghiệp; Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh Bộ cũng đang triển khai quyết toán vốn nhà nước lần 2 cho 6 doanh nghiệp. Đó là: Tổng công ty Rau quả, nông sản; Tổng công ty Chè Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Công ty TNHH nhà nước MTV tư vấn và đầu tư phát triển Rau hoa quả; Công ty Xây dựng và chuyển giao công nghệ thủy lợi; Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Vetvaco. Đối với 6 doanh nghiệp này, trong tháng 2/2017 phải xử lý dứt điểm những tồn tại, hoàn thành quyết toán vốn nhà nước lần 2 và bàn giao sang công ty cổ phần trong quý I/2017, nếu không sẽ sử dụng biện pháp ngoài hành chính.

Đồng thời, Bộ đã thực hiện sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hình thức bán doanh nghiệp và đã đấu giá thành công Công ty TNHH MTV Agrexport Hà Nội (Tổng công ty Rau quả, nông sản), sẽ hoàn thành việc chuyển giao và bàn giao cho người mua trúng đấu giá trong quý I/2017. Trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với Tổng công ty Cà phê Việt Nam (quý III) và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (quý IV).

Toàn cảnh Hội nghị

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành nông nghiệp còn gặp khó khăn, đó là còn nhiều đơn vị nhỏ trực thuộc các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, vốn đơn vị nhỏ, nên việc chào bán gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ: Tổng công ty Cà phê Việt Nam có tới 4 đơn vị trực thuộc đăng ký chào bán 2-3 lần vẫn không bán được.

Sau cổ phần hóa, bên cạnh một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả còn có một số doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần lớn, hoạt động mới chỉ ở mức bảo toàn vốn nhà nước, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp trong và sau cổ phần hóa, sắp xếp đã bộc lộ và phát sinh những vấn đề cần phải tập trung xử lý và giải quyết, như: Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương Vetvaco, Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và quản lý vốn và tài sản của nhà nước, của chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước chưa thường xuyên, chưa đi vào trọng tâm chủ yếu là tổng hợp từ các báo cáo của các doanh nghiệp và thực hiện giám sát tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hàng năm theo định kỳ.

Đưa ra giải pháp để thực hiện thành công cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Quốc Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, cần tăng cường các biện pháp thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược có năng lực, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị tư vấn, nhất là tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo xác định đúng, đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đồng thời, Ban chỉ đạo cổ phần hóa giao trách nhiệm cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo xem xét, tăng cường cán bộ của đơn vị thường trực, phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty, công ty của Bộ đang thực hiện cổ phần hóa để xử lý các tồn tại, vướng mắc kịp thời; tiến hành song song các bước công việc (xử lý tài chính, đất đai, lao động…) để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cổ phần hóa là cơ hội tái sinh cho các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhiệm vụ đầy thách thức. Xác định việc sắp xếp, đổi mới là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, vì vậy Bộ trưởng đề nghị cấp ủy các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc tái cơ cấu mà trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu, nguyên tắc cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quy trình pháp luật, minh bạch để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực.

“Đồng thời, cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc sắp xếp đổi mới, thoái vốn tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước không thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm./.