Công nhân Công ty CP Xây lắp Thành An 96 (Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng) thi công công trình đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới sắp xếp doanh nghiệp quân đội, từ năm 2002 đến năm 2013, Bộ Quốc phòng đã triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội theo 4 giai đoạn, hoàn thành cổ phần hóa 26 công ty độc lập, 5 công ty thành viên của tổng công ty và 24 đơn vị hạch toán phụ thuộc để hình thành 55 công ty cổ phần. Có 2 doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa trong giai đoạn này đã thoái hết vốn Nhà nước.

Giai đoạn 2013-2016, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành cổ phần hóa 7 doanh nghiệp; đã phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với 2 doanh nghiệp, đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu; đã hoàn thành xác định giá trị 11 doanh nghiệp; đang thẩm định xác định giá trị 5 doanh nghiệp; đang triển khai xác định giá trị 12 doanh nghiệp.

Về công tác thoái vốn nhà nước, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thoái vốn ở 3 doanh nghiệp; thoái vốn đợt 1 được 2 doanh nghiệp; phê duyệt phương án để triển khai bán vốn Nhà nước tại 9 doanh nghiệp. Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp quân đội sau cổ phần hóa đạt hiệu quả cao hơn trước.

Mặc dù việc thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung tiến độ tái cơ cấu còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu, theo Thiếu tướng, TS. Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, là do nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa đầy đủ. Việc tổ chức, sắp xếp chưa tuân thủ các quy định của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa mạnh dạn sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn về tài chính.

Đặc biệt, việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 430-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương ở một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tham mưu chưa đúng, chưa trúng, thậm chí còn chần chừ việc cổ phần hóa, chậm thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

Cục Kinh tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp doanh nghiệp Quân đội - chưa thực sự chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chưa quyết liệt đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện.

Bên cạnh đó, việc lập đề án có doanh nghiệp chưa sát với thực tế, chậm thực hiện hoặc còn để xảy ra vướng mắc, tồn đọng về tài chính.

Không ít đề án chưa xây dựng được biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến lúng túng, bị động, triển khai chậm. Có doanh nghiệp, việc tổ chức, sắp xếp chưa gắn với tổ chức quản lý, sản xuất, kinh doanh; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế

Trong bối cảnh đó, ngày 15/02/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc phòng giai đoạn 2016-2020; rà soát các doanh nghiệp nhà nước đủ điều kiện để đề nghị công nhận doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở đó xây dựng phương án tổng thể về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vốn điều lệ hiện tại không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cấp 100 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ còn thiếu cho Tổng công ty Hợp tác kinh tế-Quân khu 4./.