Nhiều rào cản

Theo báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa của Dự án Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn VI, hiện tại Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Khối doanh nghiệp này chiếm khoảng 41% nguồn thu ngân sách, 49% GDP, 78% lao động của cả nước.

Mặc dù có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, nhưng những doanh nghiệp này vẫn không thể phát triển do gặp nhiều rào cản, như: thiếu vốn, khó tiếp cận vốn, lãi suất cho vay cao; kinh doanh, nhân lực…

Đối với vấn đề về vốn, nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho rằng thiếu tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Theo báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng chỉ 36%, trong đó 80% doanh nghiệp trả lời rằng là do lãi suất quá cao, 55% do thủ tục phiền hà và 50% là không có tài sản đảm bảo.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng đưa ra lý do dẫn đến tình trạng trên, đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa kém minh bạch (không công khai thông tin, chủ nghĩa độc tài của giám đốc, hai sổ sách kế toán…), nên ngân hàng không yên tâm, bên cạnh đó nếu không có tài sản đảm bảo thì rủi ro quá cao nên không thể cho vay.

Chỉ 36% doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn được từ ngân hàng

Báo cáo còn cho thấy, lợi nhuận trên 1 giao dịch với doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp trong khi rủi ro trong khi hướng dẫn hồ sơ vay, xử lý hồ sơ, quản lý tài sản đảm bảo, quản lý nợ cao, nên cần thêm nhân viên xử lý, so với doanh nghiệp lớn thì chi phí cao hơn hẳn, về khía cạnh kinh doanh thì không hấp dẫn.

Đặc biệt, nhiều trường hợp doanh nghiệp không lập được cả hồ sơ đi vay, nên làm tăng chi phí của ngân hàng. Khó vay vốn từ ngân hàng cho nên có tình trạng vay tín dụng đen với lãi suất rất cao. Dù có trả được nợ nhưng doanh nghiệp không còn lợi nhuận nên ảnh hưởng xấu, lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Về lãi suất cho vay, hiện tại, lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ở các ngân hàng nhà nước là khoảng 9%/năm trong khi ở ngân hàng tư nhân là 12%-14. Lãi suất quá cao làm yếu nền tảng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, khi thuế giảm do AEC thì ở thế yếu hơn không thể cạnh tranh về chi phí sản xuất, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp của Thái Lan (lãi suất cho vay khoảng 7,1%)…

Đối với vấn đề về thuế, theo báo cáo, thuế thu nhập doanh nghiệp là gánh nặng lớn cản trở đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu phát triển, tuyển dụng – đào tạo nguồn nhân lực… Hiện tại, thuế suất đối với các doanh nghiệp nói chung là 20%, với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thì được miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế trong 4 năm kế tiếp.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát nằm ngoài khu công nghiệp, do phí thuê đất ở khu công nghiệp cao, không thể trả nhiều lần, nên có một số doanh nghiệp phản ánh là không vào khu công nghiệp được. Do đó, để giảm số tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã làm 2 sổ sách kế toán.

Về kinh doanh và nhận lực, báo cáo cho biết, năng lực của giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo cho thấy, 55,63% giám đốc doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ dưới trung cấp. Không học về các kiến thức quản trị kinh doanh hiện đại, không lập được cả kế hoạch kinh doanh, nên chủ yếu kinh doanh dựa vào cảm giác và kinh nghiệm bản thân…

“Điều này đã nảy sinh nhiều vấn đề, như: quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thì có thể quản lý, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên, thì không thể quản lý được, nguy cơ phá sản tăng lên, không kiểm soát được công ty, làm giảm tính minh bạch, sự độc tài của giám đốc…”, báo cáo nêu rõ.

Đối với vấn đề hành chính, các doanh nghiệp còn lo ngại về việc chính sách không rõ ràng, thủ tục phiền hà, vấn đề tham nhũng và thông tin cho doanh nghiệp không đủ.

Báo cáo nêu rõ, có trường hợp đưa các câu chữ không rõ ràng trong chính sách để có thể xử lý một cách mềm dẻo (căn cứ vào đánh giá của cán bộ phụ trách). Mặt khác, có cả trường hợp do thiếu kiến thức nên các chính sách được xây dựng không rõ ràng. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách một cách đột ngột không thông báo trước gây ra nhiều vấn đề về kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo, tuy có các biện pháp phòng chống từ trung ương nhưng vẫn nghe thấy còn chuyện bị đòi các khoản thu, phí không chính thức ở các cơ quan hành chính. Có cả các trường hợp bị đòi hối lộ khi làm thủ tục hoàn thuế. Có một số doanh nghiệp, hối lộ lên đến 10%–20% tổng chi phí doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi xuất nhập khẩu ở cửa khẩu còn có trường hợp bị đòi các khoản thu, phí không chính thức. Nếu doanh nghiệp đòi kiểm tra mục phí, khoản thu này là gì, thì họ không được đóng dấu, không được xử lý.

Cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với những vai trò quan trọng trên, cùng với những khó khăn mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải, các đại biểu trong hội thảo đều cho rằng, cần phải tăng cường hỗ trợ khối doanh nghiệp này hơn nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài thuộc Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) cho biết, nhận biết được vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ năm 1948, Nhật Bản đã sớm thành lập Cục doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 1963 ban hành Luật cơ bản về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau đó, trên cơ sở Luật cơ bản, Nhật Bản tiếp tục đưa ra một loạt các chính sách đi kèm, như: Luật khuyến khích hiện đại hóa doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với những chính sách trên, doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn ngay khi quyết định khởi nghiệp, tập trung vào các nội dung thiết thực về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ, phương án tài chính…để có thể ra đời, hoạt động một cách hiệu quả.

Cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đã chủ động xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước thực hiện hiện đại hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường cũng như tham gia xuất khẩu. Các tổ chức, đơn vị chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động tập huấn, đào tạo và thường xuyên cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một số tập đoàn kinh tế nổi tiếng và hùng mạnh của Nhật bản hiện nay đã đi lên, thành công từ lúc xuất phát là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hiroshi Arai cho biết.

Nhận định vốn là một trong những khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả ở Nhật Bản, ông Hikaru Fukanuma, Viện nghiên cứu tổng hợp, Công ty Tài chính Nhật Bản chia sẻ, năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Công ty tài chính Chính sách Nhật Bản. Đây là một công ty cổ phần do chính phủ Nhật Bản sở hữu 100%. Mục đích hoạt động của tổ chức này là bổ khuyết cho tín dụng của các tổ chức tài chính thông thường, không nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận.

Đối tượng cho vay của Công ty là các doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh kém, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cho xã hội, doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nguy hiểm. Công ty này còn liên kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Công ty Tài chính sẽ hướng dẫn cách thẩm định về tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ cung cấp thông tin của doanh nghiệp thành viên cho Công ty.

“Việc liên kết chặt chẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và và vừa không cần tài sản đảm bảo, không cần bảo lãnh tín dụng mà vẫn được vay vốn. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, thì Công ty sẽ chịu trách nhiệm”, ông Hikaru Fukanuma nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tiên vào kỳ họp Quốc hội thứ 2, tháng 10/2016.

“Theo đó, những kinh nghiệm được phía Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo thực sự hữu ích trong bối cảnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Kinh tế đang chuẩn bị, tiến tới trình Quốc hội Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã sửa đổi, để tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp”, ông Cương nhấn mạnh./.