Theo báo cáo PCI, phần đông các doanh nghiệp cho rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể, cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản, tài chính và dịch vụ. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế tạo cũng chịu nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

Báo cáo PCI cũng cho thấy, một số lượng lớn các doanh nghiệp đã nỗ lực phòng chống ô nhiễm môi trường ngay chính tại doanh nghiệp của mình, thông qua việc áp dụng các quy chế nội bộ và các chương trình đào tạo, tập huấn cho người lao động về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, có tới 75% doanh nghiệp FDI và 73% doanh nghiệp dân doanh hiện đang áp dụng các “chính sách xanh” (giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng nguyên liệu và năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất) tại chính doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết, họ tuân thủ các quy định môi trường ở mức cao, đồng thời cũng sẵn lòng nỗ lực bảo vệ môi trường dù biết rằng việc này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường

Sau sự cố môi trường Formosa, các doanh nghiệp dường như đồng tình cao hơn và chấp nhận nghĩa vụ thực thi các quy định về môi trường mà chính quyền địa phương tiến hành, dù điều đó có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí và trách nhiệm cho doanh nghiệp (tỷ lệ 95% đối với doanh nghiệp FDI và 91% đối với doanh nghiệp trong nước). Đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng chính các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường dù việc này làm tăng chi phí của doanh nghiệp (97% doanh nghiệp FDI và 96% doanh nghiệp trong nước đồng ý).

Đánh giá về những động thái tích cực của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay môi trường đang là một yếu tố quan ngại ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Thời gian qua, các quy định pháp luật về môi trường ở Việt Nam có phần coi nhẹ. Do đó, hoàn thiện pháp luật liên quan đến môi trường là việc làm cần thiết hiện nay, để vừa thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường.

TS. Lộc cho biết, kết quả khảo sát PCI lần này cho thấy, môi trường cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm để phát triển theo hướng bền vững. Do đó, quan niệm đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế là hoàn toàn sai lầm.

“Một thông điệp rõ ràng là, việc đặt ra vấn đề phải lựa chọn hoặc tăng trưởng kinh tế hoặc môi trường trong lành là một quan điểm sai lầm. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ một Việt Nam “xanh” và họ ủng hộ các nỗ lực để giữ cho môi trường trong lành tại đất nước này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết, theo một cuộc khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp gần đây tại Hà Nội, thì có trên 70% các doanh nghiệp có quan tâm và có các chương trình cụ thể để xử lý nước thải mà không gây ảnh hưởng đến môi trường chung.

Các doanh nghiệp này đã có hàng loạt các cam kết đối với cấp chính quyền tại địa bàn về việc không xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức tập huấn đào tạo cho các cán bộ công nhân, viên chức về môi trường. Đặc biệt, họ còn đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc, khoa học - công nghệ để xử lý rác thải trong khu công nghiệp và trên địa bàn.

Đại diện Hiệp hội đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết, doanh nghiệp FDI chân chính rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này mong muốn rằng, các quy định về môi trường cần được kiểm soát chặt chẽ, công bằng và minh bạch. Bởi, nếu doanh nghiệp vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường cũng được đối xử như doanh nghiệp thực hiện tốt, thì rất bất công. Đặc biệt, các dự án của nước ngoài vào Việt Nam cần phải đánh giá một cách nghiêm túc về tác động môi trường, tránh tình trạng đánh giá một cách qua loa, chiếu lệ.

“Nếu thực hiện một cách triệt để, đúng đắn, thì vấn đề môi trường sẽ được giải quyết và tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, ông Toàn nhấn mạnh./.