Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đưa ra tại Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối ngày 16/2/2014.

Chỉ ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học – công nghệ làm ăn có lãi

Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ phát động phong trào đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu khóa học và công nghệ. Thậm chí, một Quỹ hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo dành riêng cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp đã được triển khai với quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế bắt đầu hồi phục thì việc Bộ Khoa học và Công nghệ phát động phong trào đổi mới sáng tạo, hướng tầng lớp doanh nhân được coi là nhân tố mới, không chỉ có ý nghĩa kích thích sự hồi phục của nền kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Trước câu hỏi của một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cho rằng, Nhà nước cần có chương trình miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia, vì các doanh nghiệp khởi nghiệp liên tục lỗ nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng có ý nghĩa lớn; Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, các doanh nghiệp được ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế, được quy định rõ thông qua Nghị định số 80 năm 2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học - công nghệ.

Trong Thông tư hướng dẫn Nghị định đã nói rõ: các chế độ ưu đãi về thuế chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp thua lỗ triền miên chưa áp dụng ưu đãi thuế, khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất đối với doanh nghiệp khoa học đó là 4 năm miễn hoàn toàn, 9 năm miễn 50%, thuế suất chỉ 10% so với thuế suất thông thường.

Bộ trưởng Nguyễn Quân không đồng ý trước quan điểm miễn thuế thu nhập cá nhân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều người có thể lợi dụng việc này. Ví dụ, doanh nghiệp thì thua lỗ, nhưng đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp thu nhập rất khủng.

Nếu miễn thuế thu nhập cá nhân trong khi doanh nghiệp thua lỗ thì một số cá nhân có xu hướng lợi dụng việc đó và điều này sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp sản xuất và điều tiết bằng thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý.

“Phải thu hút cho được doanh nghiệp công nghiệp cao vào khu công nghệ cao”

Trước ý kiến đưa ra của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc LeeGroup về việc có nên chăng, thay vì đầu tư các khu công nghệ cao, chúng ta nên lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ tiềm năng có sản phẩm sáng tạo thật sự và đầu tư trực tiếp cho họ; Bộ trưởng Nguyễn Quân đồng tình với quan điểm, đó là phải làm sao thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao vào các khu công nghệ cao.

Bởi hiện nay, “có xu hướng không lành mạnh lắm, đó là nhiều địa phương xin thành lập các khu công nghệ cao, sẽ làm phân tán nguồn lực của ngành công nghệ cao”, người đứng đầu ngành Khoa học – công nghệ nói.

Nhà nước không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà còn đầu tư cho cả những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở đâu sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, “những công nghệ có giá trị gia tăng cao thì chúng ta đều phải hỗ trợ. Và như vậy, chúng ta không phân biệt trong khu công nghệ cao hay ngoài”, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Việt Nam vẫn phải làm khu công nghệ cao, vì kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt là ở các nước mới nổi, các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới, công nghệ cao, mà ở đó là các viện nghiên cứu, trường đại học, chứ không chỉ là các khu công nghiệp.

Hiện nay nhiều quốc gia châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… rất quan tâm đến Công nghiệp sáng tạo (Creative Industries). Đóng góp của ngành Công nghệ sáng tạo có thể từ 7%-15% GDP. Tuy nhiên hiện lĩnh vực này ở nước ta còn rất nhiều khó khăn vì gần như chưa được nghiên cứu và chưa có quy hoạch cụ thể.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ rất lâu và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng trình Chính phủ đề án từ thập kỷ trước và đến 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 80 về khoa học công nghệ, thực chất là doanh nghiệp sáng tạo hay là công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, đây là vấn đề vẫn còn mới mẻ đối với Việt Nam nên Nghị định 80 là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho công nghiệp sáng tạo.

Và trong gần 8 năm qua, “chúng tôi cùng với các bộ, ngành đã xây dựng hệ thống các doanh nghiệp khoa học - công nghệ mặc dù số lượng ít, chưa hùng mạnh nhưng là khởi đầu cho quá trình để chúng ta có hệ thống doanh nghiệp sáng tạo, mà chúng ta vẫn gọi là đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nói.

Tiêu biểu đó là Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng, Công ty cấp thoát nước Bà Rịa Vũng Tàu. Họ là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng rất lớn, tốc độ tăng trưởng cao và họ tồn tại bền vững ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa rồi.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho một dự án để thúc đẩy phát triển khoa học sáng tạo với giá trị 100 triệu USD. Chính phủ Phần Lan cũng tiếp tục tài trợ cho một dự án đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, trị giá 10 triệu euro.

Và Chính phủ Việt Nam cũng dành ngân sách đáng kể để phát triển, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 592 hỗ trợ các tổ chức khoa học - công nghệ của Việt Nam tạo ra các doanh nghiệp khoa học từ kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ.

“Chúng tôi hy vọng đến năm 2020 sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ, như Chiến lược phát triển khoa học công nghệ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và sẽ tạo ra từ 7%-15% GDP từ những doanh nghiệp khoa học công nghệ này”, Bộ trưởng cởi mở chia sẻ.

Các dự án đầu tư lớn phải có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học – Công nghệ

Hiện nay, một số vùng ở thành phố và nông thôn đang bị ô nhiễm nguồn nước, đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam rất cao.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng tham gia ý kiến.

Vừa rồi khi xây dựng Luật Khoa học - công nghệ, “chúng tôi cũng đưa vào quy định được Quốc hội chấp nhận, đó là các dự án sản xuất đầu tư lớn, kể cả ở đầu tư nước ngoài thì đều có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học - Công nghệ về trình độ công nghệ và tác động môi trường. Chúng tôi hy vọng sắp tới việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ Khoa học – công nghệ cũng hỗ trợ các bộ, ngành khi nghiên cứu về môi trường. Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có công trình nghiên cứu về Asen trong nước ngầm tại Hà Nội và đã được đăng tải trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Hoặc với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, “chúng tôi đã hỗ trợ một dự án rất lớn nghiên cứu chế phẩm sinh học để xử lý dioxin bị ô nhiễm trong đất ở các vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam mà trước đây trong chiến tranh Hoa Kỳ đã rải xuống. Chúng tôi đang cho thử nghiệm trên quy mô lớn, hy vọng sẽ xử lý triệt để ô nhiễm dioxin ở Việt Nam”, ông Quân chia sẻ./.