Tính chung 3 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê theo quý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Quý I/2017 của cả nước có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với Quý I/2016; so với Quý I/2015, tăng 38,9% về số doanh nghiệp và 143,8% về số vốn đăng ký; so với Quý I/2014, tăng 44,2% về số doanh nghiệp và tăng 176,8% về số vốn đăng ký (Biểu đồ 1).

Điều này cho thấy, Luật doanh nghiệp 2014 đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục so với các quý và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao cho thấy, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường.

Phân theo vùng lãnh thổ, tất cả các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc có 1.150 doanh nghiệp, tăng 27,6%; Đồng bằng sông Hồng có 7.886 doanh nghiệp, tăng 16,4%; Đông Nam Bộ có 11.179 doanh nghiệp, tăng 10,4%; Tây Nguyên có 698 doanh nghiệp, tăng 9,6%; Đồng bằng sông Cửu Long có 2.016 doanh nghiệp, tăng 7,9%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 3.549 doanh nghiệp, tăng 2,6%.

Theo lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các ngành nghề so với cùng kỳ năm ngoái đó là: Kinh doanh bất động sản; Sản xuất phân phối điện, nước, ga; Giáo dục và đào tạo; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; Xây dựng... Ngược lại, một số ngành nghề giảm so với cùng kỳ là: Hoạt động dịch vụ khác; Sản xuất phân phối điện, nước, ga; Vận tải kho bãi và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... (Biểu đồ 2).

Trong 3 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 9.271 doanh nghiệp, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như: Hoạt động dịch vụ khác; Kinh doanh bất động sản; Vận tải kho bãi; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Thông tin và truyền thông... Duy nhất, lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động: Có thời hạn là 9.942 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Không đăng ký thời hạn hoặc chờ giải thể là 10.694 doanh nghiệp, giảm 11,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê tại Bảng 1 cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 3.008 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 92,0% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể giảm ở 02 ngành so với cùng kỳ năm ngoái, đó là: Thông tin và truyền thông có 99 doanh nghiệp, giảm 20,8% và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 24 doanh nghiệp, giảm 14,3%.

Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Khai khoáng có 47 doanh nghiệp, tăng 95,8%; Xây dựng có 404 doanh nghiệp, tăng 39,3%; Kinh doanh bất động sản có 59 doanh nghiệp, tăng 34,1%; Vận tải kho bãi có 175 doanh nghiệp, tăng 20,7%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 148 doanh nghiệp, tăng 18,4%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 21 doanh nghiệp, tăng 16,7%... riêng lĩnh vực Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có số doanh nghiệp giải thể trong 3 tháng qua là không thay đổi so với cùng kỳ năm 2016 (Bảng 2).