Ngày 31/03/2017, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia FTA”.

FTA mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh cho biết, việc tham gia các FTA có rất nhiều tích cực với Việt Nam, trong đó vai trò của FTA thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Lợi ích đầu tiên phải kể đến, đó là mở cửa thị trường. Các sản phẩm của Việt Nam xuất sang các nước có ký kết hiệp định FTA sẽ được giảm thuế về 0%–5%, điều này sẽ tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Khanh dẫn chứng từ ngành dệt may: “Nếu chúng ta không phải thành viên của WTO thì khi xuất khẩu quần áo sang Mỹ sẽ phải chịu thuế 150% nhưng nếu là thành viên của WTO thì mức thuế còn 25%. Hơn thế, nếu có FTA thì mức thuế này sẽ chỉ còn 0-5%, có những mặt hàng theo lộ trình sẽ về 0%. Như vậy, nếu không phải thành viên của WTO thì hàng dệt may không thể bán được sang Mỹ với mức thuế 150% bởi không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan…”.

Các FTA sẽ giúp tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường

Tiếp đó, trong các FTA có những nguyên tắc rất quan trọng là “đối xử với liên hợp quốc” và “đối xử với quốc gia”. Nguyên tắc này đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước không lợi dụng vị trí thống lĩnh của mình để gây cạnh tranh bất bình đẳng. Nhà nước phải đảm bảo độc lập, không được can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, khi ký kết hiệp định FTA sẽ tạo sự cân bằng cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tại thị trường Việt Nam.

“Khách quan mà nói, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ khá nhiều nguồn lực của đất nước. Với những cam kết của FTA, thì những nguồn lực ấy phải được chia sẻ, dần dần phải được phân bổ đều hơn cho không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp nước ngoài, để từ đó trao nguồn lực đó đến tay người sử dụng một cách hiệu quả nhất”, ông Khanh cho biết.

Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA còn giúp hoàn thiện kết cầu hạ tầng, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong FTA có những quy định về mua sắm Chính phủ cho phép được đấu thầu một cách công khai, mình bạch nên không chỉ các “doanh nghiệp sân sau” mới được quyền làm những dự án lớn của Nhà nước, mà tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, miễn là làm hiệu quả nhất. Như vậy sẽ đảm bảo cơ sở hạ tầng của chúng ta sẽ tốt hơn.

Không chỉ vậy, ông Khanh cho rằng, để ký kết được các hiệp định FTA, thì các thủ tục hành chính dần dần phải cải thiện nhiều. Sự nỗ lực gần đây đó là, trước đây để đăng ký giấy phép kinh doanh rất rườm rà, nhưng bây giờ chỉ cần từ 5–7 ngày là được, khởi sự kinh doanh dễ dàng hơn rất nhiều so với trước.

"Rõ ràng, khi ký kết các hiệp định FTA, ít nhiều nó cũng tạo ra môi trường tốt hơn nhiều để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau cùng nâng cao chất lượng”, ông Khanh kết luận.

Song, doanh nghiệp chưa quan tâm

Mặc dù, nhận được nhiều lợi ích từ các FTA, song dường như các doanh nghiệp vẫn không mấy quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Ngô Chung Khanh, lợi ích lớn, nhưng nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA dường như vẫn còn mờ nhạt dẫn tới cảm giác Việt Nam bị thua thiệt khi hội nhập.

“Một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chỉ có 17-18% doanh nghiệp hiểu rõ, còn lại chỉ loáng thoáng, thậm chí còn không hiểu”, ông Khanh cho biết.

Không dừng ở đó, ông Khanh dẫn chứng thêm, ngay cả khi Bộ Công Thương đứng ra tổ chức hội thảo về TPP, có mời đích danh các doanh nghiệp dệt may đến tham gia hội thảo. Buổi sáng, đại biểu tham gia kín phòng, nhưng đến buổi trưa chỉ còn khoảng 1/3 và khi kết thúc chỉ còn 10-15 người.

“Chúng tôi có hỏi doanh nghiệp quan tâm hay có vướng mắc gì về thuế, về cơ chế thì có thể hỏi nhưng không nhận được một câu hỏi nào. Mối quan tâm của doanh nghiệp với các FTA dường như còn hạn chế”, ông Khanh nêu ý kiến.

Vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công Thương tỏ ra khá buồn và không dưới 2 lần nhắc rằng, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm. Ví dụ doanh nghiệp quan tâm đến thị trường EU, khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, thì mặt hàng dệt may bao giờ được giảm thuế về 0% và làm thế nào để doanh nghiệp được hưởng mức thuế đó, doanh nghiệp có phải chuẩn bị thủ tục gì không. Hay với những doanh nghiệp quan tâm thị trường Trung Quốc, Mỹ cũng vậy.

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho doanh nghiệp mọi thông tin, thế nhưng như tôi đã nói, 2 năm làm TPP, chúng tôi không nhận được câu hỏi nào từ doanh nghiệp”, ông Khanh khẳng định.

Không nên kết luận quá sớm về số phận của TPP

Trong tất cả các hiệp định mà Việt Nam đã và đang tham gia, thì TPP cũng là mối quan tâm của rất nhiều người lúc này.

Trả lời câu hỏi “việc Mỹ rút khỏi TPP liệu TPP có tiếp tục nữa không?”, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, đến thời điểm này mà đưa ra kết luận về số phận của TPP là quá sớm, hình thù TPP thế nào vẫn chưa rõ. Phía Mỹ cũng đang còn nhiều vấn đề cần xử lý.

Hiện nay, các nước đang cố gắng tìm kiếm phương hướng mới cho TPP. Một số nước như Mỹ có ý định đàm phán song phương với một số nước TPP bởi họ cho rằng đàm phán song phương lợi hơn đa phương. Mexico cũng muốn đàm phán song phương. Tuy nhiên, cũng có một số nước, như: Australia, New Zealand lại muốn có TPP-1, tức là không có Mỹ, hoặc cũng có ý tưởng mời một số nước trong khu vực tham gia.

“Đó mới là ý tưởng, còn để trở thành hiện thực thì còn thời gian dài”, ông Khanh nhấn mạnh và cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh làm và không quá quan ngại về việc TPP sẽ ra sao.

Dẫn số liệu mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Khanh cho biết, 3 tháng đầu năm 2017, thu hút FDI các dự án mở rộng thêm vốn tăng trên 200%, những dự án hồ sơ xin mua cổ phần tăng trên 150%, tổng thể số vốn đăng kí mới tăng 77% so với cùng kỳ. Do vậy, ông Khanh cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút FDI như nhiều người quan ngại, nhiều nhà đầu tư vẫn tin môi trường Việt Nam./.