Tự chấm dứt hoạt động sau hàng loạt sai phạm

Ngày 25/04/2017, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương đã thông báo kết quả xử lý sai phạm của doanh nghiệp đa cấp – Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

Theo đó, Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh đã phạt tiền công ty này 140 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm: ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia theo quy định pháp luật; duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp. Ngoài ra, đã xử phạt Thiên Ngọc Minh Uy 75 triệu đồng đối với một số sai phạm khác.

Hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy lên tới 1 triệu người

Trước đó, theo báo cáo của các Sở Công Thương, trong năm 2016, Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã “dính” 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, ngày 14/05/2014 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố; bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.

Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, vừa qua, Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động của Công ty này.

Liệu người tham gia có được giải quyết quyền lợi?

Theo Bộ Công Thương, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Người tham gia bán hàng đa cấp có bất kỳ khiếu nại về việc Công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình có thể gửi yêu cầu tới chi nhánh tại các tỉnh, thành phố của Công ty.

Số liệu từ cơ quan quản lý cho thấy, có hơn 250.000 người đã được cấp các mã thành viên của Thiên Ngọc Minh Uy trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá, tổng số lượng thành viên từng tham gia theo hình thức chân rết của hệ thống đa cấp với mô hình hoạt động tinh vi này phải lên tới hơn 1 triệu người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia bán hàng đa cấp là rất khó khăn.

Dẫn lời của luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh trên báo Dân Việt, trên thực tế, việc để bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân của các công ty này là rất khó khi đã ngừng hoạt động. Do vậy, các cá nhân tham gia cứ trông đợi vào những khoản lợi nhuận lãi do được hứa hẹn là rất cao sẽ là những người bị thiệt thòi lớn nhất.

“Về phía Nhà nước, tôi cho rằng, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn đồng thời có những biện pháp khắc phục hậu quả tạm thời, ví như việc cho vay vốn lãi suất thấp để “khởi nghiệp lại” hay là tạo công ăn việc làm, cũng như các trợ cấp xã hội khác”, luật sư Truyền nói.

Cùng chung quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, dù quy định yêu cầu Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm với người tham gia nhưng trên thực tế, các thành viên đương nhiên bị thiệt hại và khó lòng yêu cầu bồi thường.

“Người tham gia hầu hết chấp nhận rủi ro để tham gia cuộc chơi này, nên cũng khó kêu ca được gì, chỉ có thể thu hồi được phần vốn nào đó. Phía công ty nặng lắm, thì bị xử lý hình sự thôi chứ cũng không đòi hỏi được gì và như vậy là hòa cả làng”, ông Đức nói.

Theo luật sư này, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nên cần rút kinh nghiệm để tránh tình trạng các công ty đa cấp tràn lan, sai trái kéo dài mà “làm ngơ” hoặc “bất lực” không quản lý được./.

Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp. Theo đó, dự thảo này đã mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật, thêm các quy định tăng khả năng quản lý, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh đa cấp và nâng số tiền ký quỹ tối thiểu là 10 tỷ đồng so với mức 5 tỷ đồng trước đây. Giới chuyên gia kỳ vọng dự thảo sẽ giải quyết phần nào những bất cập mà Nghị định 42 chưa giải quyết được; bảo đảm một nền tảng pháp lý chặt chẽ về kinh doanh đa cấp.

Tham khảo từ:

Phạm Tuyên (2017). Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy bị đóng cửa: Lo mất tiền tỷ, truy cập từ http://www.tienphong.vn/kinh-te/da-cap-thien-ngoc-minh-uy-bi-dong-cua-lo-mat-tien-ty-1143788.tpo

Thanh Xuân (2017). Bán hàng đa cấp người tham khó được đảm bảo quyền lợi, truy cập từ http://danviet.vn/tin-tuc/ban-hang-da-cap-nguoi-tham-gia-kho-duoc-dam-bao-quyen-loi-764896.html