Trong số 10 doanh nghiệp cổ phần hóa, thì có 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 1 doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý (Hưng Yên 1 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 1 doanh nghiệp, Bắc Giang 1 đơn vị sự nghiệp, Quảng Ninh 1 đơn vị sự nghiệp).

Trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa trên, thì có 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Dệt May 7 - Công ty TNHH MTV Đông Hải; Đài truyền hình Việt Nam; Công ty Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế) nằm trong danh sách 137 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-CP, ngày 28/12/2016.

Riêng trong tháng 4, cổ phần hóa 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng (Công ty TNHH MTV Dệt May 7 - Công ty TNHH MTV Đông Hải), 1 doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam), 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Quảng Ninh (Công ty Quản lý Giao thông công chính Quảng Yên).

10 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp được cổ phần hóa trong 4 tháng

Trong 4 tháng đã công bố giá trị doanh nghiệp, nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa của 38 doanh nghiệp (trong đó đã có 12 doanh nghiệp nhà nước thuộc danh sách 137 doanh nghiệp phải cổ phần hóa); đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của 107 doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp đã được phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa (Công ty Cấp thoát nước tỉnh Lâm Đồng); giải thể 1 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam).

Cũng theo Ban Chỉ đạo, đến hết ngày 25/04/2017, cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 12 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 564,3 tỷ đồng (bằng 82,3% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.483,1 tỷ đồng (bằng 520,5% so với cùng kỳ năm 2016). Trong số 12 doanh nghiệp này, có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá. Riêng trong tháng 4, cả nước thoái được theo giá trị sổ sách là 91,3 tỷ đồng, thu về 123,8 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong tháng 5, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, đó là: (1) Đôn đốc Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Nghị định về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;

(2) Tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ được gia về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;

(3) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước tại các bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước./.