Nhiều hợp tác xã được lập ra nhưng không hoạt động hiệu quả, mà chỉ chạy theo phong trào

Số hợp tác xã tăng nhanh là do... tiêu chí nông thôn mới

báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, những năm gần đây tổ hợp tác liên tục phát triển nhanh, tăng bình quân 3,3%/năm.

Năm 2013, cả nước có 61.571 tổ hợp tác trong nông nghiệp (bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản…).

Đến nay, cả nước có 10.339 hợp tác xã, trong đó có 9.363 hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, 115 hợp tác xã lâm nghiệp, 594 hợp tác xã thủy sản và 79 hợp tác xã diêm nghiệp… với khoảng 6,7 triệu xã viên.

Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng bình quân khoảng 200 hợp tác xã/năm. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp khoảng 45%.

Mặc dù vậy, chỉ có 10% trong số này hoạt động hiệu quả. Điều đáng nói là từ sau 2012, số lượng hợp tác xã tăng nhanh do một trong 19 tiêu chí của chương trình Xây dựng Nông thôn mới là phải có một hợp tác xã, hoặc tổ hợp tác. Một số nghiên cứu cho thấy, ở nhiều địa phương, đã có hiện tượng xây dựng hợp tác xã theo phong trào và chạy theo tiêu chí.

Một điểm đáng chú ý nữa là sau khi có Luật Hợp tác xã mới, việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật gặp nhiều khó khăn do công nợ nhiều trong khi tài sản lại ít. Trên 20% hợp tác xã đã dừng hoạt động, nhưng chưa chuyển đổi hoặc giải thể được. Hơn 90% hợp tác xã không tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản.

Quy mô các tổ hợp tác nhỏ (bình quân khoảng 10-30 thành viên/tổ), không có tư cách pháp nhân và ít có hoạt động kinh doanh nên hiệu quả không cao.

Lời giải của sự đổi mới không có trong sách vở

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang hướng tới tái cơ cấu như hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ phải tổ chức lại các hình thức kinh tế hợp tác để hướng tới sản xuất hàng hóa. Với tiêu chí làm thế nào để có lợi nhất cho dân, các mô hình kinh tế hợp tác sẽ rất đa dạng, phụ thuộc vào từng vùng, từng loại hình nông nghiệp chứ không cứng nhắc như thiết kế trong Luật.

“Đổi mới ở đây không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã sao cho đúng luật, mà phải tổ chức lại, đánh giá mỗi loại hợp tác xã sao cho phù hợp, hợp tác xã trồng trọt, không thể rập khuôn như hợp tác xã thủy sản. Đi tìm lời giải không phải trong sách vở, mà là từ thực tiễn tại các địa phương rồi từ đó nhân rộng ra”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, không thể tách rời hợp tác xã với các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, yếu tố quyết định thành công của các hợp tác xã là nguồn nhân lực nhưng đây lại là khâu yếu nhất hiện nay. Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, trước mắt, sẽ có nhiều chính sách đẩy mạnh đào tạo cán bộ. Thống kê cho thấy, có tới 28% chủ nhiệm hợp tác xã có trình độ văn hóa cấp 1.

Để đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, cần quan tâm đến nội dung hoạt động, tức là “chất” của hợp tác xã./.

Theo kế hoạch, song song với việc giải thể khoảng 2.500 hợp tác xã kém hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thành lập mới 2.000 hợp tác xã mới theo hướng ưu tiên các hợp tác xã sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện nay đạt tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới từ 10% lên 20% vào năm 2015 và trên 50% năm 2020.

Bên cạnh đó, nâng số tổ hợp tác lên 100.000 tổ, hơn 50.000 trang trại được công nhận phát triển sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao tạo ra số lượng nông sản hàng hóa lớn và có chất lượng cao, đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ thông qua hợp đồng từ 3-15% hiện nay đạt 25-30% vào năm 2020.