Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Chính phủ. Theo tinh thần đó, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể, đặc biệt là đổi mới công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung tranh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể…

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.

Đồng thời chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.

Quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm không thanh tra doanh nghiệp quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước của mình; kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp theo thẩm quyền về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra; xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra theo thẩm quyền; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra và các cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp; quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trao đổi với báo giới về Chỉ thị 20, chiều 17/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 17/05/2017 sẽ khắc phục tình trạng như báo chí phản ánh, có doanh nghiệp một tháng bị thanh tra 3 lần, có doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 10-12 lần/năm.

“Có thể nói đây là sự giải quyết rất nhanh, quyết liệt, thể hiện đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ, coi việc lắng nghe doanh nghiệp để tháo gỡ là việc của Chính phủ, trách nhiệm của Chính phủ để tạo điều kiện, môi trường cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Làm rõ hơn về nội dung, Bộ trưởng Dũng cho biết, quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm không thanh tra doanh nghiệp quá một lần hoặc kiểm toán quá 1 lần.

Vậy thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra. Đây là thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Ví dụ như cơ quan công an là thẩm quyền liên quan đến phòng cháy nổ, Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến môi trường, Cục thuế, hải quan liên quan đến cơ quan thuế…

Do vậy, thanh tra tỉnh,thành phố chủ trì, tiếp nhận toàn bộ những đề xuất của thanh tra của các sở, ngành chuyên ngành để xây dựng một kế hoạch thanh tra trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

Như vậy, hằng năm chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra của các doanh nghiệp trong phạm vi địa bàn, thẩm quyền của chủ tịch tỉnh quản lý.

Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, chứ không phải vào thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng sau đó lại không có chứng cứ vi phạm pháp luật.

Khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, lúc đó yêu cầu cơ quan đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết, nếu không thì doanh nghiệp kiến nghị lên các cơ quan cao hơn.

“Khi các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Nếu cố tình, nếu biết mà vẫn để cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo thì người đứng đầu địa phương đó sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.