Theo Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định

Kiểm tra chuyên ngành vẫn “hành” DN

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho biết, 93% DN đánh giá các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên rất khó khăn cho DN nắm bắt thông tin và tuân thủ. Và, có tới 89% cho rằng, nhiều quy định không phù hợp với thực tế và 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng.

Kết quả khảo sát trên cho thấy, kiểm tra chuyên ngành vẫn “hành” DN và những nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Ở góc độ cơ quan quản lý thông quan, tháng 4/2017, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với một số đơn vị chuyên môn thuộc bộ quản lý chuyên ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.

Kết quả rà soát đến ngày 30/03/2017 cho thấy, có tới trên 50% số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành của các bộ cần phải sửa đổi, bổ sung đều chưa đảm bảo về thời gian và yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg (tại Quyết định 2026/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sửa đổi 87 văn bản quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong quý IV/2015 và quý I/2016) và yêu cầu tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Trong đó, 37/87 (43%) văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thay thế theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg; 50/87 (57%) văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung/thay thế, trong đó 39/50 văn bản đang được các bộ thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Đứng đầu trong các bộ, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị có số văn bản cần sửa đổi, bổ sung nhiều nhất (49 văn bản). Tính đến hết tháng 3/2017, bộ này đã sửa được 16 văn bản, 33/33 văn bản vẫn đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Tiếp đến là Bộ Công Thương có tổng số 10 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Theo rà soát bộ này đã sửa được 9 văn bản, 1 văn bản đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Bộ Y tế có 9 văn bản cần sửa đổi, bổ sung. Đến nay Bộ này đã sửa được 3 văn bản (trong đó 1 văn bản không thể sửa đổi, bổ sung), hiện có 2/6 văn bản đang được thực hiện sửa đổi, bổ sung.

Bộ Xây dựng có 4 văn bản cần sửa thì đến nay có 1 văn bản đang được sửa.

Điều đáng lưu ý là công tác đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan vẫn còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Ví dụ mặt hàng sữa chua, pho mat vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Công Thương.

Hay trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành như: mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Cách nào giải quyết?

Để sớm tháo gỡ những bất cập tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có liên quan.

Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng là tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối vói hàng hóa thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể: Rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/ kiểm tra chuyên ngành; bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu; sửa đổi quy định về phí kiểm tra chuyên ngành, minh bạch về cách tính chi phí, đối tượng chịu trách nhiệm trả phí và chuyển dần sang áp dụng cơ chế giá.

Các bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương về rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý/ kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất nội dung kiểm ra tương tự, như: nhóm giấy phép: ngoài giấy phép nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu tự động, giấy phép hạn ngạch thì các loại chứng từ khác, như: xác nhận khai báo hóa chất, phê duyệt kinh doanh… và các loại chứng từ khác, như: công bố tiêu chuẩn; chứng từ xác nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật đầu tư (giấy phép kinh doanh, phê duyệt hợp đồng xuất khẩu xác nhận cơ sở chế biến…); chứng từ xác nhận hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (hiệu suất năng lượng, khai báo hóa chất…).

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho Tổ công tác của Chính phủ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.

Về những đề xuất trên của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan liên quan tập trung thực hiện rà soát bất cập trong quy định về thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính, Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ sửa đổi các quy định về phí kiểm tra chuyên ngành, điện tử hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo đúng Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6/2/2017 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ quản lý chuyên ngành liên quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với kiến nghị của Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và việc bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu; trường hợp phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg theo đúng chức năng, thẩm quyền quy định tại Quyết định số 1642/QĐ-TTg, ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành thuộc các lĩnh vực của các bộ quản lý chuyên ngành./.