Theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ "chốt", thì Tổng công ty Sông Đà - CTCP (SÔNG ĐÀ) có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là 450 triệu đồng cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: 229.500.000 cổ phần nhà nước, chiếm 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019, năm 2020 bán tiếp phần vốn nhà nước còn nắm giữ tại doanh nghiệp này xuống dưới 50% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011 là 822.000 cổ phần, chiếm 0,183% vốn điều lệ; 135 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 30% vốn điều lệ; 84.768.000 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 18,82% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu theo quy định của pháp luật, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổng công ty Sông Đà - CTCP (SÔNG ĐÀ) có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tiêu chí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần cụ thể bán cho nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và quy định pháp luật có liên quan.

Tổng công ty Sông Đà - CTCP thực hiện xử lý đất đai, thuê đất của Nhà nước, trả tiền thuê đất hàng năm, thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai và pháp luật có liên quan.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 464 người; tổng số lao động chuyển sang làm việc tại Tổng công ty Sông Đà - CTCP 412 người; số lao động nghỉ việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 52 người.

Lý giải vì sao vẫn đề xuất Nhà nước vẫn nắm giữ là 51% vốn điều lệ tại công ty mẹ khi cổ phần hóa đến hết năm 2019, Bộ Xây dựng cho biết, hiện Tổng công ty Sông Đà đang chiếm 85% thị phần trong nước về thủy điện và mở rộng tham gia các dự án thủy điện của Lào, tham gia đấu thầu quốc tế, vừa sản xuất kinh doanh vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tổng công ty Sông Đà đang nắm giữ khối lượng tài sản, vốn nhà nước lớn, số lượng lao động gần 20.000 người. Trong suốt quá trình thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình thủy điện, tổng công ty đã phải huy động, đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài sản thiết bị đảm bảo tiến độ thi công theo yêu cầu của Chính phủ. Do đó, tổng công ty còn có nhiệm vụ quan trọng là phải quan tâm, chỉ đạo giải quyết lao động “hậu Sông Đà”; đồng thời khai thác, sử dụng và thu hồi vốn từ tài sản, thiết bị máy móc đã đầu tư để thi công các công trình lớn.

Theo báo cáo kết quả thực hiện sản xuất, kinh doanh đầu tư do Tổng công ty công bố, thì năm 2016, Sông Đà đã cơ bản hoàn thành công tác xây lắp, chuyển sang giai đoạn vận hành phát điện các công trình do Tổng công ty làm tổng thầu, nên giá trị tổng thầu xây dựng và EPC bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện thiếu nước do ảnh hưởng của thời tiết.

Tuy thế, Tổng công ty cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra với doanh thu đạt 13.599 tỷ đồng, vượt 8% chỉ tiêu được giao (12.600 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Về đầu tư, Tổng công ty đã hoàn thành phát điện dự án TM2 TĐ Huội Quảng, đặc biệt tại Thủy điện Lai Châu đã hoàn thành phát điện 1TM và khánh thành công trình vào 20/12/2016, vượt 1 năm so với kế hoạch.

Về đầu tư, công ty đã tập trung giải quyết vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án, đưa vào vận hành 3 nhà máy thủy điện Xêkaman 1, Đăklô và Tôbuong.

Về sắp xếp, tái cấu trúc doanh nghiệp, Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành kế hoạch thoái vốn, chuyển giao vốn tại CTCP Xi măng Hạ Long về cho Vicem, đồng thời hoàn thành thoái vốn tại 5 đơn vị thành viên. Trong năm, công ty cũng đã hoàn thành CPH Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Khánh Hòa.

Dự kiến, năm 2017, Tổng công ty Sông Đà đặt ra mục tiêu về doanh thu là: tổng doanh thu 10.700 tỷ đồng, giảm 21% sp với doanh thu đạt được năm 2016; lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, giảm 14% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. Sản lượng điện ước đạt 3.015 triệu Kwh.

Về sản xuất kinh doanh, trong năm 2017 Tổng công ty dự kiến đẩy nhanh tiến độ, đưa vào phát điện các dự án Thủy điện Xêkaman San Xay, hoàn thành hầm Đèo Cả, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đảm bảo các mục tiêu tại Thủy điện Nam Theun 1 tại Lào, triển khai phương án dài hạn tại Thủy điện Xêkaman 3.

Về công tác đầu tư, năm 2017 Tổng công ty tiếp tục ra soát các thủ tục đầu tư các dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và Tổng công ty, dự kiến giá trị kế hoạch đầu tư trong năm khỏang 1.300 tỷ đồng./.